MÙA HOA XOÀI NỞ

(Thiếu Niên Tiền Phong 61)


Khi những con muỗi bắt đầu vo ve từng bầy trong bóng tối, tôi biết đã bắt đầu mùa xuân. Sẽ là chuỗi ngày mưa phùn mù trời, nước sông dềnh lên tràn mép bờ sẵn sàng tưới tiêu cho vụ làm mùa sắp tới. Mùa xuân, trước nhà tôi là vườn xoài vào độ đơm hoa, đàn chào mào từ đâu bay tới, hát râm ran cả buổi. Tôi nhớ về miền tuổi thơ đã khuất. Nơi đó có Sao.
Sao là một chú chim non. Bằng cách nào đó, Thượng Đế ban chú đến bên tôi vào một đêm trời sao hiếm hoi của mùa xuân năm tôi lên Chín. Vườn xoài khi ấy mới chỉ có bốn gốc, cây cao hơn ngọn cột điện. Tôi chắc hẳn là đang đi tìm tiếng dế kêu phát ra từ đâu đó trong hốc đất-  một trong những sở thích của tôi ngày ấy mà tụi trẻ làng coi là ngớ ngẩn. Cơn gió ào qua, xô hàng cây nghiêng ngả. Và rồi cái bọc gì rớt xuống bên tai tôi, tiếng chạm đất thật nảy, thật mềm. Một tổ chim. Tổ chim chỉ có Sao trong đó. Đúng vậy! Tôi đặt tên chú là Sao, một thứ ánh sáng bất chợt lóe lên trên bầu trời tuổi thơ tôi.
Đám bạn thích thú với chú Sao tôi có được. Thằng Tùng, thằng Chinh thi thoảng ghé qua nhà tôi cho chú ăn như một niềm vui. Bố thích tôi chăm nuôi một sinh linh bé bỏng, bằng tất cả hồn nhiên và tình yêu của mình. Nhưng bố không thích cái cách tôi đặt Sao trong lòng bàn tay, rồi đưa chú lên mũi, hít hà suốt ngày. Bố bảo như thế chim sẽ chậm lớn. Loài thuộc về tự nhiên, vốn không quen mùi thân thể người. Nhưng bạn biết không, cái mỏ bé xinh đó, đôi cánh còn nguyên lông măng, rung rung như muốn vút bay lên đó, cùng sự ấm áp phả ra từ thân thể bé nhỏ, tôi không tài nào cưỡng lại được. Tôi cho chú ăn chuối, ăn sâu, ăn bột cám cò. Những ngày đẹp trời, tôi treo chiếc lồng- nhà của chú lên dây thép chăng ngang sân cho chú sưởi nắng. Và- lại là cái suy nghĩ của tuổi nhỏ, để chắc mẩm chú sẽ coi tôi tương đương vai trò của người mẹ đích thực, tôi đã cho chú uống nước miếng của tôi- thay vì một nguồn nước nào khác...



Hơn một tháng, Sao bắt đầu trổ mã. Một cậu chàng thiếu niên Chào Mào oai vệ, đôi mắt đen huyền tinh nhanh, cùng giọng hát thanh thanh lảnh lót. Sao bắt đầu tập những quãng bay ngắn, chú khoan khoái đậu lên dây phơi, rồi nhún mình vút lên mái bếp, đôi mắt hấp háy. Thật là niềm hạnh phúc vô bờ, tôi chỉ cần giơ tay huýt sáo, lập tức chú sà xuống, đậu vào. Tôi nhớ đến chú chim sáo của cậu bé lang thang, mà mình từng xem hay đọc ở đâu đó...

Rồi một sớm mai, khi những tia nắng óng đầu tiên của mùa hạ buông xuống vườn xoài, một bầy chào mào ríu ran lại từ đâu bay tới. Sao khi ấy đang trên ngọn cột điện, cậu giương đôi mắt ngác ngơ trông về phía đồng loại, rồi như nhận thấy cội nguồn, cậu sà vào đám lá xoài sum suê hòa chung tiếng hót. Ngay khi bố mỉm cười hiền từ, bảo tôi:
-         Đã đến lúc chú phải đi rồi con ạ. Hãy để cho chú tìm khoảng trời riêng bao la của mình.
Tôi hớt hải chạy ra giơ tay huýt gọi chú. Sao từ trên cao trông xuống, vẻ ngập ngừng. Cậu toan sà xuống tay tôi thì đột ngột, đàn chào mào thấy tôi đồng loạt bảo nhau bay đi hết. Sao đập cánh xuống dở chừng, rồi quay đầu lao theo đàn, biến mất vào không trung.
Tôi rụng rời, khuỵu chân, bật khóc nức nở như một đứa trẻ bị ai đó giành mất phần quà ngon lành của mình. Bố vẫn chỉ đứng bên, nhìn trân trân ra khoảng trời xanh vô định mà Sao đang cất cánh bay lên.
 Vài hôm sau, bố nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi như cách bố vẫn thường an ủi tôi- lúc tôi đứng lặng trông lên chiếc lồng không treo bên chái bếp, lòng tiêng tiếc và nhớ Sao vô hạn :
-         Con à, cuộc đời quý nhất là điều gì con biết không ? Ấy là sự tự do! Đến một ngày, con cũng như Sao, sẽ tự vút bay trên đôi cánh của mình, tìm về những chân trời mới. Khi ấy, bố mẹ đã già, bố cũng thôi cấm con chơi đùa ven cầu ao rêu bám, thôi  cấm câu cá giữa trưa hè đỏ lửa; thôi cấm con về muộn quá tám giờ đêm... Sao không thể mãi ở bên chúng ta được, con có chắc mình sẽ chăm sóc chú được cả đời, khi mà nay mai lịch học của con, lịch làm của bố dày thêm lên? Sao có thể sẽ chết đói trong lồng khi con chưa kịp về, có thể chết đói vì chưa một lần con dậy chú tự mình kiếm ăn...
Nước mắt tôi giàn giụa:
-         Nhưng con thương Sao lắm. Chẳng may Sao gặp mưa gió, hoạn nạn, ai sẽ chăm sóc chú hả bố? Liệu Sao có còn nhớ đường để mà quay lại thăm con không ạ?
-         Con biết yêu thương loài vật, ấy là điều tuyệt nhất. Thương từ tiếng dế, cây cỏ, thương cả những vì sao bị ông Mặt Trời nuốt mất. Và giờ, con buồn vì Sao bỏ con đi, nhưng con có tin một ngày Sao sẽ vì con, nhớ mà tìm đường quay lại? Còn bố, thì bố luôn tin vào điều đó, con trai ạ...
          Từng lời của bố khi ấy khiến lòng tôi nhẹ nhõm, vơi đi bao nỗi buồn và thương nhớ Sao. Bố đã gieo vào lòng tôi niềm tin về sự trở về của chú. Tôi biết bố cũng nhớ Sao, thương Sao như tôi vậy. Tôi vẫn treo chiếc lồng ở đó như một thói quen vậy. Nghĩ đến Sao, tôi thèm khát một khoảng trời tự do của riêng mình, nơi ấy, tôi sẽ cất cánh bay cao, bay xa.
 Đến bây giờ, khi đã lên Mười Bảy, mỗi độ xuân về, bầy chào mào từ đâu kéo về vườn xoài, râm ran hót. Khi ấy, tôi lại choàng dậy, chạy đến bên gốc cây, giơ tay huýt sáo. Những chú chào mào không còn sợ tôi như cách đây hơn mười năm về trước, có chú còn ngoải cổ xuống nhìn, chiếc đuôi xòe cụp.
Dù thế nào đi nữa, một khi Sao còn tồn tại trên đời, tôi vẫn luôn tin, trong bầy chim về vườn xoài mỗi độ xuân ấy, có Sao...



                                                                                         Hà Mạnh Luân

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét