TẢN MẠN VỀ MÌNH
Thế
là tôi bỏ việc. Gia đình, bè bạn, đồng nghiệp nhìn tôi vừa thương vừa trách.
Mấy ai có chân trong một cơ quan truyền thông Trung Ương khi vừa chân ướt chân
ráo ra trường trong khi một đồng giắt lưng không có, thân thế lại bần hàn chả
mối quen thân. Thây kệ, tôi vẫn bỏ. Bỏ, tôi có cái lí của tôi.
Cha
tôi thời trẻ vốn cũng là người ưa hoạt động. Từ chữ nghĩa Hán học đến văn nghệ
rồi cả thương trường ông đều từng trải. Chàng thanh niên một thời vào Nam ra Bắc, hết
chiến tranh gìn giữ non sông gấm vóc, xung phong sang cả Lào làm nghĩa vụ quốc
tế láng giềng anh em. Không một lí do nào ràng buộc, dù là gia đình tôi truyền
thống cách mạng. Tất tần tật những vẫy vùng bay nhảy ngoài bao ý nghĩa thiêng
liêng của nó, chủ yếu vẫn là cho thỏa cái tính cách phóng đãng ngao du góc bể
chân trời. Cha bảo : ở đời , được tự do làm những gì mình thích, mình thấy ý
nghĩa, mà phiêu, thì đó mới chính là sống, nếu không ta mới chỉ tồn tại như một
cỗ máy sinh học, bị tất thảy những mặc định vô hình do số đông đề ra, tự gọi đó
là khuân khổ, thước đo chuẩn mực, hệ quy chiếu của mọi dạng đời người, đó thực
ra chỉ áp dụng được với những cá thể kém cá tính, anh hùng hào kiệt xưa có ai
chịu giam mình trong một cái lồng hạn hẹp, họ phải quẫy đạp, vẫy vùng như con
chim sải sánh, như con cá uốn vây, ấy mới thỏa chí nam nhi vậy.
Tôi
may mắn được thừa hưởng dòng máu ấy, quan niệm ấy, lại sinh vào năm Ngọ. Con
ngựa thì phải phi nước đại, phải háu đá, mới chính là loài ngựa khôn.
Vậy
là tôi bỏ việc. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi chấp nhận mình hóa kẻ điên kẻ
khung trong mắt đại đa số người khác. Dĩ nhiên, bạn gái tôi không nằm trong số
đó. Nàng thật tuyệt!
Xem
nào, tản mạn về mình, thật ấu trĩ, nó gần giống với việc vạch áo cho người xem
lưng. Ngắm mình trước gương, tự hào thì ít mà tự ti choán phần nhiều. Người gặp
tôi lần đầu, dù rào trước đón sau nhưng cuối cùng chung quy cũng đi tới một kết
luận: anh yếu! Dĩ nhiên là phải hiểu theo nghĩa trần trụi, cận thân nhất rồi.
Một gã trai ngoài đôi mươi mắt thâm quầng gò má nhô dáng liêu xiêu lả lướt.
Thật tình tôi không mong tôi vậy, đôi lần tôi đã có thể thấy tôi đi đứng một
cách đường hoàng hơn khi mình cố tỏ ra là mình có thể đi như thế. Thêm một quả
đầu trùm, đầu xơ xác. Trùm ở đây là sự trùm do tóc. Giống với một cây nấm, khá
vất vả trong việc đỡ được quả đẩu ngẩng cao nhìn thẳng trên một tấm cổ ngẳng ra
như cổ cò. Cặp kính to sụ trên sống mũi nữa, nó góp công rất lớn trong việc tạo
hình tôi giống với một chú cú đêm, nói chung là dị dạng.
Thực
ra tôi đã ở vào cái tuổi không còn mấy bận tâm về những thứ đó nữa. Nhìn vào
cuốn album hình chụp cách đây độ vài ba năm, cái thời sinh viên, nói cho thật
thì nom tôi cũng không đến nỗi nào. Đời người biến thiên theo thơi gian, ấy là
cái thú. Ví như khi người ta trẻ, người ta cần trang bị cho cái vốn liếng của
bản thân mình nhiều nhiều chút, hoặc đủ để hấp dẫn đối phương ( bạn khác giới),
bày trò chim chuột, trò thuận lẽ tự nhiên. Lên một quãng nữa, nhìn lại, thấy ta
ngày hôm qua hệt như con trẻ, và ta của ngày hôm nay đã có thể ưỡn ngực vỗ đùi
rằng mình chín chắn nhiều nhiều lắm, thôi shoping, thôi cắt tỉa, nhiều lúc xuề
xòa đến độ bẩn tưởi. Ta vui mừng khấp khởi hoan ca khi vừa tậu được nhà riêng,
sắm con xe xịn, đeo đồng hồ Ý và áp Iphone bên tai a lô một tiếng cả khu quay
lại nhìn. Thêm một nấc nữa, những thứ ấy lại đã hóa thành con trẻ. Cái niềm vui
niềm tự hào của gã đàn ông ngoài ba mươi khi ấy nó lặn cả vào trong hình hài
máu mủ mà mình...nặn ra. Nghĩa là ta chỉ có thể tự hào khi nhìn bầy con ta sinh
ra mang nhiều nét di truyền tự hào của bố nó, nó đã có thể tỏ ra khôn trước
tuổi, thông minh lanh lợi xinh xắn hơn bè bạn trang lứa, ấy là hạnh phúc lắm
rồi...
Chính
xác thì hiện tại tôi hai mươi tư tuổi một năm ba tháng. Gọi khác đi : hai mươi
lăm tuổi chín mươi ngày. Ở vào ngưỡng giao thoa giữa cá nhân và xã hội, giữa
đơn thể và đơn gia đình, giữa tự do và gông cùm trói buộc. Tôi cũng không quá
lo lắng vì điều đó, bạn gái tôi đã quả quyết chắc nịch rằng: ba mươi tuổi em
mới lấy chồng. Tôi hiểu rằng mình còn những bẩy năm để tự do.
Lại
nói chuyện hình thể. Giả như tôi béo, ấy mới chính là sự bất mãn. Sự khác biệt
quá tách bạch khiến tôi trở nên lạc lõng, trở nên xa rời với chính ước mơ của
tôi. Rất may, tôi siêu gầy. Văn nhân xứ sở mình thường thế. Tôi hân hạnh được
đứng chung bầy cùng bọn họ. Tôi huyễn hoặc và khát khao nhiều để được đứng cùng
bọn họ. Luộm thuộm, tóc bù xù, hốc hác, ở bẩn, không nhớ nổi một con đường (kém
định vị)...
Nhiều
khi ra ngoài đường, tôi có cái thói quen là nhìn lia mọi sự. Không loại trừ cả
với con người. Những hạng, những loại, những cấp nào, tôi tự hào khẳng định
rằng mình chỉ cần trông thoáng qua là đoán biết. Một phần nhờ vào Nhân Tướng
học, phần khác bắt nguồn từ cái thói quen hâm dở ưa phán xét và tập cho mình
một cái nhìn...triết học nơi tôi. Theo đó, không thể chỉ đánh giá chủ thể theo
cái biểu hiện gồ ghề bên ngoài được, nhìn thì phải nhìn xiên từ bên trong, “nhìn
từ bản chất”. Dân gian có câu “ người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”. Tôi đồ rằng
thời nay câu đó không còn đúng quá nữa. Lúa không chỉ tốt vì phân mà còn phụ
thuộc rất nhiều vào yếu tố ngoại cảnh, thằng lưu manh khoác lên người bộ vest
comple chính hiệu Hàn Quốc cũng chẳng thể toát cho ra cái uy nghi của tri thức.
Với những người hời hợt không nói, kẻ cao nhân tinh ý họ phán xét theo cái “thần”.
Lõi có tốt đẹp nó mới toát qua vẻ ngoài thành luồng thiêng khí được, kể cả khi
vỏ bọc có xù xì xấu xí đến đâu! Thần ấy nằm nhiều là ở đôi mắt.
Cũng
do vậy, dễ dẫn đến những bỏ sót đáng tiếc tự cổ chí kim. Người đời ưa nhìn cận
thân mà lại đã vội khinh khỉnh, chẳng hiểu một lẽ hiển nhiên rằng tài nhân thì
thường dị tướng. Bên Tàu có Kỹ Hiểu Lam, Lã Văn Đức, Hán Cao Tổ... nói đâu xa,
ngay như Việt Nam
mình cụ Mạc Đĩnh Chi, Mai Thúc Loan ...đó thôi. Nhiều khi cái vỏ xấu xí bên
ngoài chỉ là lớp lá ngụy trang để nâng đỡ, bảo vệ phần cốt lõi rạng ngời bên
trong. Phán xét họ qua vẻ bề ngoài, thì phải nhìn vào ngữ điệu nói, vào đôi mắt
của họ!
Văn
nhân nước mình- tôi vừa giật thột. Tôi chưa là văn nhân. Tôi mới chỉ khao khát
mình được là văn nhân. Đời người ai đánh thuế ước mơ? Hơn nữa lại là khi tôi đã
nghiễm nhiên huyễn hoặc “thủ dâm tinh thần” rằng mình đương như thế đó?! Văn
nhân thì phải thế nào ?
Có
câu “ lập thân tối hạ kỵ văn chương”. Ý chỉ cái nghiệp, cái nghề đeo đuổi con
chữ, nghịch chữ ấy, nó muôn đời nghèo! Thì cứ nhìn vào đám lão làng trong nền
văn học Trung Đại ta thì biết! Những Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất
Tố, Huy Cận, Vũ Trọng Phụng... rặt một đám người thiếu đói quằng quại trong nỗi
lo cơm áo gạo tiền, vắt kiệt con chữ hòng hứng được chút nước thơm đem về cho
bầy con nheo nhóc mút chùn chụt thay bầu sữa héo hon của vợ cũng do vì không có
cái ăn mà trở nên teo tóp. Họ ở vào cái thời khổ cả về thể xác lẫn tinh thần,
khổ từ việc lo toan đường kim mũi chỉ cho đến cái khổ của quốc gia đại sự. Cái
khổ bật ra con chữ, chảy thành từng dòng vệt đắng cay thậm chí cả mồ hôi tơ
máu... Thời thế thay đổi, đi cùng với độc lập tự do thì cái tự do trong viết
lách cũng được tăng lên. Thời nay những con người say mê với trò chơi chữ nghĩa
không còn quá lo về cơm áo gạo tiền nữa, thậm chí nhiều tiền bối còn cao sang
ngồi trong mui trần trong xế hộp, bước chân khỏi cánh cửa ô tô tức thì những
tia flash máy ảnh nháy lên nhoang nhoáng, hệt đám ca sĩ diễn viên thần tượng
phải nhờ đến vệ sĩ riêng để trốn lảng bầy fan hét hò đông đảo. Tôi một thời
gian viết báo, đi đâu hỏi danh xưng đám người trước lạ sau quen cứ ngẩn người:
chà chà, chắc lắm tiền lắm đây! Thực sự thì bằng những cách nào đó, đám nhà báo
hiện thời tiền lúc nào trong ví cũng rủng rỉnh, hứng lên chi mời đám bạn bè
thân bằng cố hữu tâm giao một bữa nhậu nhẹt cả vài triệu bạc không tiếc. Phật ý
thay tôi không thuộc số ấy, tôi vẫn nhìn số ấy bằng một con mắt to tròn kinh
ngạc có pha chút bồi hồi ngưỡng mộ. Nhà báo bây giờ cũng dăm bảy loại, báo
teen, báo cướp giết hiếp, báo chuyên săm xoi mấy nàng mông cong ngực nở chỉ
mong họ toạc quần...
Thế
mới nói, trong khi xã hội thời nay bội thực nguồn cung mà cầu lèo tèo nhỏ lẻ,
ti tỉ thứ nghề phát sinh, đến cả...post bài diễn đàn, đăng tin rao vặt, nhặt
golf tennis, ...cũng được gọi là nghề, thì việc đi đó đi đây, căng mắt căng tai
thu vào bộ lọc tâm hồn trí tuệ những chắt lọc vướng bận của đời sống, gửi đến
cho mọi người qua kí tự ngôn từ, hòng định hướng, thay đổi, giúp xả stress tất
thảy bọn họ, dẫn họ gần hơn tới cái đẹp, cái vĩnh hằng và nhận về những đồng
thù lao trang trải cuộc sống, âu cũng là thứ nghề cao quý và may mắn vậy !
Văn
nhân thì phải như thế nào ? Tôi cũng không thật bao quát! Nhưng một điều luôn
cánh cánh trong tôi, phàm là văn nhân, tiên quyết phải biết...nhậu!
Cái
nghề tung hứng kí tự bằng vốn tri thức, vốn cảm xúc này nó cũng thật là đỏng
đảnh! Không khéo chiều thì cũng như hương sắc đóa hoa, sớm nở tối tàn là điều
hiển nhiên trông thấy! Tôi không có men thì khó mà phiêu được. Men ở mức độ
chừng mực, nó cất cánh, nâng đỡ tâm hồn người ta ghê lắm! Nó khiến người ta
được là người ta và vơi đi lí trí thật nhiều. Lí trí ở đây là những tỉnh táo
của suy nghĩ, để có thể luôn dè dặt, đề phòng, lo phạm kỵ, phạm húy...tất tần
tật những thước đo vô hình hữu hình sản sinh trong quá trình phát triển của xã hội
loài người. Ta gạt đi được những e dè cố hữu ấy, thấy cảm xúc được thả rông tựa
như thoát được cái xú khí bấy lâu ta vẫn kìm nén đầu độc trong mình!
Tôi
có một anh bạn viết lách, hôm chúng tôi đến chơi, mặc dù đã thông báo trước,
nhưng tới bữa cơm, lão dọn độc một đĩa thịt luộc với bát muối chấm. Cơm thì cơm
nấu từ bữa sáng, lão định bụng để ăn cả ngày. Nghĩa là chúng tôi đến sẽ phá sản
không thương tiếc kế hoạch đầy tính ...lười chảy thây đó. Thịt luộc vợ lão dúm
cho từ dưới quê mang lên, lão mới tranh thủ tạt qua nhà hai ngày cuối tuần
trước đó. Tôi ngồi nhấm nhắc nhai. Thật tình không thể hiểu nổi lão nghĩ gì lại
đem thịt luộc chấm muối trắng, mà muối phải là muối loại chế biến chưng cất thủ
công nhất, ngày xưa gọi đó là muối hột, hạt vuông vuông to bằng một phần tư cái
đầu đũa, còn lẫn cả những chấm li ti đen đen hình như sạn sân phơi...
-
Tôi chỉ ăn được muối này, nó gần với biển hơn cả!
Quê
lão miền biển, cái niềm yêu nơi chôn nhau cắt rốn hiện diện trong lão mọi lúc
mọi nơi, qua sự so sánh đủ loại thức đồ Thủ Đô với quê hương. Và kết luận lúc
nào lão cũng cho rằng quê hương là số Zách!
Kể
qua một hoạt cảnh vậy, ý tôi là người liên quan tới viết lách phần đa rất...dị.
Họ dễ dàng khiến chúng ta bật cười khi phát hiện ra điều gì đó thú vị. Họ cũng
rất dễ khiến ta khâm phục mà đem lòng yêu mến khi từng câu từng chữ phả ra từ
miệng họ nó có những đường cong gợi cảm rất đặc biệt, rất duyên! Thì rõ là mồm
miệng đỡ chân tay mà!
Lại
trở về mình. Tôi hay đi. Sự đi nơi tôi cũng không khác với cha tôi là mấy. Ông
và tôi có những cách thức khác nhau để tác động vào cuộc đời, nhưng điểm chung
đều do cảm xúc mang lại.
Đơn
giản thôi. Tôi nghĩ chắc mình sinh nhầm thời. Thành phố này người ta tranh thủ
cả ngay trong giấc ngủ. Vậy mà tôi luôn tỏ ra là người rảnh rỗi và dư thừa thời
gian trong mắt họ. Tôi dành phần lớn quỹ thời gian của mình để đi. Và thế
là...tôi bỏ việc. Gia đình, bè bạn, đồng nghiệp nhìn tôi vừa thương vừa trách.
Mấy ai có chân trong một cơ quan truyền thông Trung Ương khi vừa chân ướt chân
ráo ra trường trong khi một đồng giắt lưng không có, thân thế lại bần hàn chả
mối quen thân. Thây kệ, tôi vẫn bỏ.
Bỏ,
tôi có cái lí của tôi.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét