KHÓI BAY VỀ TRỜI

( Đã đăng PNVN 108)




Thứ khói ấy chỉ còn trong hồi ức.

Làng vào đông, độ chục năm về trước, khi những tảng mây dan díu nhau giăng mang mang xám bạc. Đồng mòn gốc rạ, cả một vùng không gian bao la thẳng cánh cò bay không còn dập dìu dáng lúa. Đó là vụ trồng hoa màu, kéo dài từ sau lúc gặt xong mẻ lúa mùa, cho đến hết tháng ba dương lịch, năm sau.

Hanh hao. Thằng bé tôi ngày ấy đã quen với tiếng gió bấc xé lá chuối ràn rạt ven ao, ngay khi sớm tinh mơ vừa chập chờn thức giấc. Cái lạnh rít qua đám ngói hở mái nhà, ùa về trước sân cuộn tròn cát bụi và lá khô lạo rạo. Những chú gà đã dậy từ lâu, liếp nhiếp đòi ăn, xen lẫn tiếng eng éc cạy cửa của tên lợn ục ịch trong chuồng. Thật nhốn nháo. Cái nhốn nháo nơi thôn quê chỉ càng gợi thêm lên một không gian hiu quạnh, tĩnh lặng đến khôn cùng...


Mẹ tôi- chắc chắn rồi, khi ấy, người sẽ lại lặng mình bến bếp củi. Lửa xèo xèo, lép bép. Sau này, như lúc này, mỗi độ nhớ về người, tâm trí tôi tái hiện đầu tiên cái dáng ngồi trầm ngâm mỏi mòn như tạc vào thế kỉ ấy- dáng của Vọng Phu, dáng của Nhẫn nại, của hi sinh... Mẹ tôi khóc nhiều hơn nói. Ánh mắt người đượm nỗi niềm của một chiều thu hoàng hôn nhoen đỏ. Mỗi độ đông sang, thân thể người phả ra thứ hơi ấm diệu kì, mạnh mẽ mà không gắt gao như lửa. Bởi lẽ đó, tôi chỉ thực sự chịu rời xa chiếc giường người nằm, cho đến hết đông của năm học lớp mười.

Khói. Vẫn chưa phải là thứ khói quê hương- khói lam chiều, chưa phải thứ khói cất lên từ gian bếp mẹ ngồi. Mọi thứ chỉ thực sự vỡ òa, khi đột ngột bữa cơm sáng lạnh nào đó, mẹ tôi quay sang nói với cha:
- Bữa nay nhà mình đi hộ Gạch.

Kể từ giây phút ấy, tôi vẫn nhớ như in về sự hân hoan rộn lên trong lòng, trên bước chân mình tung tăng tới trường, hân hoan vì tâm trí hình dung lên bóng dáng cái lò gạch, với những màn khói loang xanh giăng một chòm xóm.



Hộ gạch- ấy là thời khắc làng tôi đông vui như trẩy hội. Sống với cái đói cái rét, cái khắc khổ trường kì, người nông dân từ thuở ông cha ta xưa kia, đã biết đùm bọc, gắn kết nhau. Bây giờ, phố thị ấm no người ta không vậy, hoặc ít vậy, bởi tự thân mỗi tổ ấm đã có thể chăm lo cho mình. Cùng với dòng chảy thời gian, tôi trở về làng đang lên phố. Vồn vã chẳng còn ngự nơi ánh mắt láng giềng nhìn sang nhau. Đôi khi, hoài niệm quá vãng dâng lên trong tôi lớn đến độ: tôi ước sao cho làng mình mãi cứ nghèo, như cái thời người người hò nhau đi hộ gạch...

Đông hanh. Cánh đồng sau mùa gặt bạc khô nứt nẻ. Ấy là thời điểm thuận lợi để đào đất đóng gạch. Xa xưa, gạch được làm thủ công, đất vun đống được nước tưới cho nhuyễn, xong đem về khoảng sân rộng tẩm cát cho đỡ dính và đúc thành từng viên qua chiếc khung hình chữ nhật. Sau dần công nghệ phát triển, gạch được sản xuất theo dây chuyền, đỡ tốn sức người, xong thi thoảng vẫn có những tai nạn thương tâm xảy đến từ cái máy đùn gạch. Một vài trường hợp bất cẩn, thợ đùn gạch chủ quan lấy chân dận cho đất thụt xuống cái miệng máy đùn, không may máy nuốt cả chân người, máu và thịt quyện với đất đồng đùn ra đỏ ối...


Hộ gạch. Những viên gạch nỏ queo được đẽo bằng khung tay hay đùn bằng khuân máy, được bao bàn tay thoăn thoắt tung lên, chuyền nhau, xếp gọn gàng khoa học cao lên mãi thành lò. Người lớn cười đùa ha hả, trẻ nhỏ ríu rít chạy ra chạy vào. Đồng đất quê hương. Trước đó, chúng tôi đã được thỏa thuê với trò chơi từ đất. Khi viên gạch đang trong giai đoạn thành hình, chúng tôi hò nhau đi...ăn trộm của nhà làm gạch những nhúm đất nhuyễn, dẻo quẹo, đem nặn ô tô, máy bay, đồ chơi, quà hàng. Nặn đất, không thể không nhắc đến pháo đoành. Năm sáu đứa túm tụm mở hội thi pháo ai nặn kêu to. Chế pháo giống với nặn chiếc nồi nhỏ, càng khum càng tốt, và nhất thiết phần đáy khum phải tán cho thật mỏng, thật đều, để khi dùng lực tay quất mạnh pháo xuống đất chiều úp ngược, không khí bị nén đột ngột, không đường thoát, sẽ phá vỡ phần đáy khum và tạo ra tiếng nổ. Khum to và mỏng đều cho lỗ nứt lớn, tiếng kêu trầm, vang, khum càng hẹp, độ mỏng chỉ tập trung về phía giữa, thì tiếng nổ đanh nhưng kém sức vọng hơn. Những tràng cười cứ nối nhau ha hả, để rồi khi mắt trời khuất bóng, đây đó ngõ ngách đường thôn thi thoảng những tiếng đoàng đoạc vẫn vang lên, tận đến khi cha mẹ sắm roi đến lôi về mới chịu tan cuộc. Hôm sau đến lớp, do lạnh giá, tối trời, lười tắm, chân tay tụi tôi vạch lên những vết nẻ, lấy ngòi bút chì khía cũng hằn lên đường trắng của ghét bẩn.

Tụi nhỏ bây giờ thì không đứa nào còn mảy may biết đến những trò như thế nữa. Tôi đi học, thấy phụ nữ thành phố chăm con mình như vàng như ngọc, ra ngoài trời xém thấy miếng nắng chiếu vào làn da non đã xuýt xoa hoang mang, nói gì đến việc họ chấp nhận để con mình chân không đi dép nghịch cát cả ngày bôi mũi ra tay...Trẻ em bây giờ là lớp chồi măng trong cái thời Công nghiệp hóa hiện đại hóa, cái ăn cái uống đã no nê thành ra sự rảnh rang hay điều kiện chăm sóc của các đấng sinh thành được nâng cao. Tôi nhớ đến những đứa trẻ vùng cao, bốn tuổi năm tuổi đã khoác gùi to hơn cơ thể, phăng phăng vượt dốc vượt đồi đem sản vật cây nhà lá vườn lên chợ huyện bán. Sống với thiên nhiên, nên cái gió cái rét không làm hại con người, chẳng bù trẻ nhỏ thành phố lớn ngồng ngỗng lớp chín lớp mười rồi mà vừa ra mưa một hôm đã cảm cúm cảm lạnh. Thể trạng người Việt mình đang lớn hơn, nhưng yếu đi...

Hộ gạch. Cái niềm hân hoan tôi đã nói ở trên kia, không bó hẹp ở cái không khí bầy đàn vui nhộn. Hơn thế nữa, nó chợt vụt biến thành cái khát khao, thành nỗi nhớ trông mong. Trẻ nhỏ tụi tôi ngày ấy sinh ra vẫn nhằm vào thời thiếu đói. Phàm là đám cưới, đám dạm, hay đám hộ gạch, chúng tôi biết, mình sắp có một bữa ăn ngon. Niềm hân hoan của tụi tôi không khác xa với người lớn là mấy. Chắc hẳn rằng những bác, những cô, nhưng ông những bà đang cười đùa phớ lớ móm  mém kia, cũng đã thảng hoặc hình dung tới phút quây quần dô hò cùng đụn chè cốc rượu. Gạch vào lò nhanh lắm. Chỉ một buổi, đã xong xuôi đâu đấy, nhìn lên chiếc lò vuông vức, sắc xám trắng của gạch đan xen màu đen tuyền của than, ai nấy đều gật đầu xuổi tay kì vọng. Chỉ một lát nữa thôi, khi bữa cơm đến hồi tan cuộc, củi sẽ được chất dưới hầm lò, lửa nổi lên, những chiếc quạt cánh to thổi vù vù, xối xả. Than gạch rực hồng kịp lúc trời tối hẳn, xua tan cái lạnh của gió bấc và màn đêm lặng lẽ ùa về, ai cũng thấy có một ngọn lửa trong lòng, mênh mang...



Cha tôi hồi ấy rất được xóm làng nể trọng, không chỉ việc làng việc xóm ông tham gia đều đặn, nhiệt tình, mà còn ở cái tài khéo léo. Từ đám ma đám chay ông Trị Huyệt ( đào mộ ) đắp mồ,  đến cưới xin lên hát hò chúc mừng các kiểu, công đoạn châm lửa lò gạch cũng cần người biết ưu nhược của hướng gió, cách vào lò để mà tính toán lên lửa thế nào cho phải. Ai cũng đặt niềm tin nơi ông, vì có bàn tay của ông, ắt lò gạch chắc chắn lửa sẽ bén đều, bén đượm. Gạch chín vừa phải, những lớp bùn tẩm rơm đắp chát quanh lò gạch chuyển sang màu cam vì bị nung cho khô cong, cũng là lúc lửa sắp tắt. Một vài ngày sau, bóc lớp vỏ ngoài, thấy viên gạch chín hồng vừa lửa, không non không phồng, ấy là một lò gạch đẹp, thành công.

Tôi không nhớ rõ cha mình đã tham gia trong bao nhiêu vụ gạch, chỉ biết rằng cái thời đó, đã lùi xa , lùi sâu vào quá vãng. Những tháng ngày xóm làng vẫn đượm chất nguyên khôi, hoang sơ thuần khiết, ở đó, con người chỉ dùng tình cảm, tình mến thương để đối đãi với nhau...

Chao ôi, nhớ quá! ...

Những mùa khói đã bay về trời, còn lẩn quất trong tâm trí người con quê hương, là tôi đây, thương yêu đến lạ. Khói cũng chẳng phải khói lành như khói rạ , khói rơm, ám vào đâu thì cây lá tươi xanh đổi màu héo úa, rụng lả tả cho đến lúc trụi cành, tang thương. Thế nhưng khói ấy, trong tôi,  tự bao giờ đã hóa hồn đất, hồn quê hương, hồn tuổi thơ không thôi gợi nhắc.

Quê hương bây giờ đã đổi khác. Mới hơn độ chục năm mà bóng dáng xóm làng dần thay da đổi thịt, vững chãi vươn lên, nghe đâu sắp tới tầm thị trấn. Cái bản đồ quy hoạch Tỉnh vừa vạch một con đường nhựa thẳng tắp, rộng thênh, chạy xuyên từ đất liền cho tới bờ biển, hòa vào tuyến đường Quốc lộ, Quốc Gia. Vậy là chẳng còn bao lâu nữa, nơi đây đã lại có được sự xôn xao, huyên náo chốn phố phường phồn hoa đô hội...

Tôi lang thang nơi quê hương một chiều thu đỏ lịm. Nắng hắt chéo lên những mảng tường, cách đó vài ba năm còn rêu hoen sờn xỉn, nay đã lại được tân trang bằng thứ sơn thế hệ mới, ruồi bọ đậu vào thẳng cánh trượt chân. Tôi không chú ý nhiều đến màu sơn. Tôi chỉ nhìn màu nắng. Nắng hoài niệm nhuộm thấu những mảng tường, soi sâu vào bên trong lần cát vữa xi măng. Vẫn là những viên gạch ấy, vẫn là những đợt khói về trời năm ấy, đang âm thầm kiến tạo nên những đổi mới quê hương tôi...

Và thứ khói ấy lại tràn về, thiếu thốn ô xi, nhưng lại thơm hương đến lạ...



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét