BỐ HÁT


(Đã đăng Phụ Nữ Việt Nam số 93)

Bố hát. Lần đầu tiên tôi nghe bố hát. Bố đã hát thì chắc có điều gì vui lắm. Hoặc ít ra là: bố thấy thanh thản. Những phút giây thanh thản trước một chuyến đi xa thật đáng quý.

Hồi bé, nhắc tới bố là tôi hình dung đến chiếc roi mây dựng ở góc nhà. Mặt bố đỏ gay, tóc bố rối bù. Bố bắt tôi nằm sấp xuống giường, rồi quật. Chiếc roi mây vun vút trên không. Nhưng tôi nhận ra: khoảng cách từ âm thanh cho tới cảm giác cũng khá lớn. Chỉ ran rát thôi. Có lẽ vì thế mà sau mỗi trận đòn, tôi càng trở nên lì lợm. Các chú, các bác bảo tôi lì lợm. Hàng xóm, láng giềng bảo tôi lì lợm. Tai tôi chai đi vì hai chữ “lì lợm”. Và mông tôi chai đi vì những trận đòn. Thế là tuổi ấu thơ, tôi luôn xếp bố ngang hàng với con ngáo ộp hay ông Ba Bị gì đấy...



Nhưng lên cấp hai, dần dần tôi không thấy bố giống thế nữa. Độ đau của mỗi trận roi tỉ lệ nghịch với số tuổi của tôi. Tôi bắt đầu có ý thức chăm nom vào việc học. Một bữa, tôi thấy bố đem chiếc roi mây đi buộc lạt. Bố sẽ đi làm xa...
Mới đầu, một tháng bố về một lần. Lần nào về bố cũng mua cho tôi rất nhiều quà bánh. Tôi thích thú đem khoe với chúng bạn những món đồ chơi mới của mình.
Thời gian về thăm nhà của bố cứ thưa dần. Hai Tháng. Ba tháng. Rồi nửa năm. Mẹ bảo, bố theo đoàn công tác miền rừng thiêng nước độc ở tận chân trời xa xôi nào đó, xa lắm. Tôi bắt đầu biết nhớ. Nhớ bố. Nhớ chiếc roi mây. Cả những đêm hiu hắt ánh đèn dáng hình bố in nghiêng trên bức vách, mái tóc lùm xùm bất động trong màn khói thuốc. Cái bóng khòng khòng gánh thời gian.

Tôi thi đỗ giải cao trong kì thi học sinh giỏi Tỉnh. Ngày chung vui, giọng bố qua điện thoại khấp khởi. Mẹ bê cả cái home phone ra chái nhà, ậm ừ thậm thụt. Chỉ nghe tiếng thở dài não nuột khi mẹ trở vào. Tôi thôi ý định hỏi mẹ khi nào bố về. Để rồi nỗi chờ mong thấp thỏm cứ thế lớn dần.
Một ngày nào đó, thấy bóng bố xuất hiện thình lình nơi đầu ngõ, tôi chạy tới nhảy tót lên cổ bố, khoe với bố bao câu chuyện thành tích học hành. Bố lục tìm ba lô lấy ra chiếc khẩu súng cùng chú siêu nhân. Nhưng món đồ chơi đã vỡ vụn. Những cuộc di chuyển đột xuất liên miên nhiều khi tưởng như mất cả tư trang hành lí. Món đồ chơi bố đã dặn lòng, mua ngay từ cách đây mấy tháng, cất kĩ quá thành ra chóng tàn. Ở bãi đào vàng, người ta không cho bố ngơi tay vê điếu thuốc lào, huống chi khoảng thời gian chăm chút vật dụng cá nhân. Ánh mắt bố thẫn thờ như mắc tội. Nhưng con đã lớn rồi mà, đâu thể ngập tràn hoan ca như thuở nhỏ với khẩu súng với chú siêu nhân. Bây giờ con chỉ cần được trông thấy bố thôi, bố ơi...




Bố hát. Hát điều gì tôi nghe không hiểu. Bố không hát Tiếng Kinh. Bố hát tiếng Tày- tiếng quê hương bố. Quê hương bố, tức là quê hương tôi. Mỗi người khi sinh ra, luôn cần gợi nhắc về nguồn cội mình...


Bố lại kể tôi nghe về quê hương. Miền rừng núi trập trùng có ruộng bậc thang, có mái nhà sàn ẩn hiện, bà con dân tộc với những trang phục rực rỡ sắc màu. Bố bảo, thuở nhỏ tôi có một người bạn tên là Bội. Trẻ em vùng núi còn thiếu cái ăn cái mặc, học hành như một thứ gì đó xa vời như cánh diều của tôi mớ ước chạm mây xanh. Có lẽ bây giờ cậu ấy đã lấy vợ.


Bố hát. Giai điệu trầm buồn mênh mang quá. Chắc là bố nhớ quê, nỗi nhớ trào dâng khắc khoải không kìm lòng được mà bật lên thành tiếng hát. Mấy mươi năm trời bản làng xa lời cách mặt, đứa con của núi thiếu đi cảm giác ghập ghềnh, bước chân đi đồng bằng chênh chao hẫng hụt...


Tiếng hát bỗng dưng tắt ngấm. Bố phải đi rồi, trời tảng sáng. Chắc bố không biết tôi đã thức, nên không gọi dậy. Nhưng tôi dậy thôi. Tôi phải dậy chứ! Dậy, để tiến bố lên đường đi làm xa. Dậy, để nói với bố một ngày nào đó đưa tôi lên thăm quê. Phải rồi, không quá lâu nữa đâu, tôi sẽ được lên thăm quê...



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét