-
ĐẤT ĐỒNG RỈ MÁU
( Đã đăng Phụ Nữ Việt Nam số 93 <3828> )
Một sáng như bao sáng, vẫn cái điệp khúc tập thể dục, tắm táp , nhâm nhi ổ bánh mì và li cafe rồi mải móng phi xe xuống phố, hòa mình vào với dòng người trong bụi bặm, tôi chợt nhận ra hình như Hà Nội không còn vồn vã tôi như cách một người tình. Hồ Tây nằm nghiêng thở than chiều gió cuối, ngoảnh mặt về phía phố, nguýt tôi lăn tăn sóng thở dài. Tri kỉ rồi cũng một ngày thay nhạt. Chút hoang mang lưu luyến thoảng qua, nhưng tôi không đắm chìm quá nữa. Lần này lỗi là ở tôi. Tôi đã trót đem yêu thương chia đều hai ngả, mơn man trên những đường cong Hà Nội, nhưng đôi khi ánh mắt tôi còn lặng nhìn về phía khác: quê hương tôi...
Ngẩng
mặt thấy bầu trời Hà Nội, cúi đầu hiện dáng khói quê xa. Hôm qua, vẫn như
thường lệ, công việc cơ quan tạm gọi là quy củ, tôi xoài người trên chiếc ghế
xoay, tay cầm tờ báo. Phút nghỉ ngơi hiếm hoi đã không trọn vẹn, đâu đó quê
hương tôi, người ta lập chuỗi liên hợp nhà máy. Cả một vùng ao hồ mênh mông với
đám Lục Bình nổi trôi bao buồn vui đất mẹ, rồi đây sẽ bị đám máy ủi máy xúc cần
cầu lũ lượt léo đến, lạnh lùng vốc từng khối đất nhấn chìm xuống bùn sâu. Vị
trí ấy sát vách nhà tôi, ngày xưa mỗi độ cuối hạ đám cá rô ron bu đầy mặt nước,
buông câu chưa chạm ngọn sóng lăn tăn đã lại giật víu reo vui khi trong tay
thêm một chú rô đồng. Thuở nhỏ ham câu điên dại, đám trẻ làng luôn tung hô tôi
như một thần đồng, vì sát cá...
Gập
tờ báo xuống bàn, tôi đưa tay tháo kính. Gỡ bỏ đi những vật dụng trợ thân trong
công việc, tôi lại trở về là tôi, là thằng trai quê ngây thơ tinh nghịch ngày nào.
Mỗi phần đời rồi cũng sẽ qua đi, nhưng chưa hề xuất hiện sự biến mất. Đôi khi,
tập tành để làm người Hà Nội với điểm tâm, aeropic, bể bơi, shopping để khỏi
lạc lõng giữa bầy người, cũng khiến tôi rơi nước mắt. Nhiều độ về quê chúng bạn
chúng em chòm xóm láng giềng mắt tròn mắt dẹt ngắm nhìn với sự ngưỡng mộ, ước
ao mà thấy lòng mình như mắc tội. “ Ra dáng người thành phố rồi, lấy vợ Hà Nội
nghe con!”...
“Vợ
Hà Nội” ???. Chao ôi, thương biết mấy những người dân quê, có khi cả đời gót
chân nứt nẻ như đất đồng ngày đông hanh chưa ra khỏi lũy tre xanh đầu xóm, móng
tay sạm đen cáu bẩn vốn chỉ quen băm bèo, nhặt cỏ, moi cua... Hà Nội là cái gì
đó trở thành hào hoa, thiêng liêng, lấp lánh lắm.Tôi dạ vâng cười trừ. Đứa con
quê hương bỗng một ngày hóa lạ, chơ vơ trên chính mảnh đất tổ tiên mình, muốn
xích lại gần hơn mà sao khó quá! Những người thương của tôi đây, nhịp thở quyện
theo gió đồng phập phồng cánh lúa, làn da xám ngoét bóng loang như thể nắng
cháy mưa ngàn đã tịt đường bài tiết qua lỗ chân lông, như một phản xạ bản năng
tự vệ. Họ vẫn thế, cười vui ánh sáng thấp thỏm đêm về, gặt mùa lúa mùa khoai
đông cả vào hành trang cho con em lên đường tìm tương lai xa xứ. Ước vọng một
đời gửi cả vào những mầm xanh...
Những
người thương của tôi đây, người mà báo chí truyền thông chính phủ điện đài ngày
ngày vẫn biểu dương ca ngợi bởi tinh thần quật cường, một nắng hai sương, chân
cứng đá mềm...đang làm nên mùa vụ, làm nên vựa lúa lớn nhất đồng bằng sống
Hồng, góp phần đem lại thứ hạng xuất khẩu lương thực cho quốc gia ngạo nghễ với
năm châu. Vậy mà cả một đời nhọc nhằn chưa một ngày được thoải mái ngửa mặt
nhìn trời, để rồi giờ đây lại hoai hoải nỗi lo mất đồng mất đất. Sinh ra từ cái
lúa củ khoai, vui buồn với cái lúa củ khoai, cứu đói nuôi dưỡng cả một nền văn
minh tự ngàn đời mà cùng với sự chuyển dời vũ trụ càn khôn, ngày nay họ đang
đối diện với nguy cơ mất đất canh tác. Thiếu hụt con chữ con nghĩa, ngơi với
đồng áng họ biết làm gì, đi đâu ???
Tôi
vội vàng rời xa Hà Nội, trở về bên đồng quê rỉ máu. Có nhẫn tâm không? Tấc đất
tấc vàng. Vẫn là tấc đất tấc vàng thế thôi, nhưng là cái vàng của thước
đo, cái vàng của đền bù giải tỏa, đâu còn là vàng của mồ hôi của lao động của
cần cù ?! Rồi đây, xóm làng sẽ lại đổi khác, có trong tay bạc trăm bạc tỉ,
người dân vốn chỉ quen tay cuốc tay cày quay sang mở nhà hàng, dịch vụ. Những
quán xá mọc lên, rộn ràng khu phố mới. Làng lên phố, Á - Âu hòa quyện, lai tạp
bon chen. Tôi hình dung tới những vùng dở dang ngoại thành Hà Nội. Dân có thể
được sống sung sướng hơn, nhưng về lâu về dài ngày nào đó Việt Nam
không còn được nhắc đến như một Quốc Gia đi lên từ Văn Minh lúa nước, một nước
xuất khẩu lương thực lớn nữa. Những con người từng một thời bám đất, giữ đất,
tri ân với đất, đất cũng nở hoa đền đáp nuôi nấng con người, bỗng một ngày phù
sa trở thành vô nghĩa. Phù sa chảy dưới nền móng bê tông những tòa nhà cao tầng
mà trên đó, con người mải mê quay ra làm xiếc với những nguyên vật liệu chuyển
đến từ tận những nơi đâu, hình thành lên Công Nghiệp Hóa- Hiện Đại hóa. Chẳng
phải vô tình ccn người đã phụ đi cái ơn của đất tự ngàn đời đó sao ?!...
Đât
đồng rỉ máu. Khoảng trời ấu thơ tôi vẫn tìm về mà gợi nhắc, nay cũng đang bị
dồn ép, xâm lấn, thu hẹp dần. Cánh cò không còn bay ra từ ca dao, ca dao thành
món đồ khảo cổ. Đàn em nhỏ sinh ra lớn lên thiếu đất đồng, ít tin vào cổ tích.
Thôi những ánh mắt ngây thơ khao khát theo cánh diều chạm được tới mây xanh,
mang ước mơ cất lên cao vút, tầm nhìn trẻ nhỏ thu cả vào màn hình vi tính, nơi
những con dao, khẩu súng thành thú vui, nhìn máu chảy đầu rơi là trò tiêu
khiển. Để rồi chúng sẽ lại mắc tật nhìn gần, cặp kính nặng hơn gồi lúa đè hằn
in vết thâm gò mũi. Có những em ngây ngô bảo con trâu là con bò, cấy với gặt
chẳng khác nhau, lưỡi liềm chưa một lần nghe nói tới. Thế hệ kế cận tôi đi xa
học một hai năm trở lại nhà quên mất cách nhóm bếp củi bếp than...
Tôi
thương đồng quê rỉ máu, thương cả những năm tháng tuổi thơ bao thế hệ cắt cỏ
chăn trâu bước chân trần trên đất mắt dõi nhìn xa mênh mông sóng lúa. Tôi là
người quen hoài cổ. Đôi khi giữ khăng khăng một thứ khiến con người ta khó lòng
đổi khác để mà tiến lên. Nhưng giữa được và mất, hơn với thua, tôi vẫn cứ đem
lòng bất lực mà trông mong một phép màu cho tuổi thơ ở lại, cho ánh mắt em thơ
thêm trong và cho cây lúa trên đồng ngày một đơm bông kết hạt rộ hơn nơi mảnh
đất quê hương, bằng nhiều phương pháp kĩ thuật canh tác có thể khác hơn, hiện
đại hơn, như bên Tây bên Mỹ người ta vẫn gìn giữ phát huy như thế...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Quê tớ đất đồng dần thu hẹp mất rồi :((( còn đâu là quê hương chị Hai Năm Tấn :((
Trả lờiXóa