skip to main
skip to sidebar
NHỮNG BƯỚC CHÂN NỞ HOA
Bạn gái tôi đối với tôi là một thứ tài sản vô giá. Cũng như cái cách mà nàng nâng niu những gì từng có, từng thuộc nơi tôi. Không ngạc nhiên khi những chiếc mũ, một vài bộ áo quần ố sờn đã qua sử dụng của tôi vẫn được nàng giặt sạch, là vuốt phẳng phiu và đem gấp vuông xếp ngay ngắn trong hộc tủ. Nàng bảo: vứt chúng là một sự vô ơn đáng trách, như là người ta rũ bỏ chính mình. Tôi bất giác nghĩ tới y phục người quá cố, những thứ ấy cũng chẳng thể vứt đi, đem đốt như vàng mã, để gửi về chín suối cho chủ nhân dùng tiếp.
Nhưng lần trở về sau chuyến công tác xa này, nàng gây cho tôi một sự ngạc nhiên lớn. Ngoài ban công tầng ba căn phòng nàng ở, một dãy hoa mười giờ, loa kèn, lưu ly bừng hương khoe sắc. Tất thảy chúng đều mọc ra từ…những chiếc giày đã bục đế của tôi. Nàng chẳng hề vứt đi những thứ tưởng chừng đã sánh ngang với rác. Ôi chao kỉ niệm! Mỗi chiếc giày gợi nhắc cho tôi về bao vùng đất , vùng người đồng bào mình trên dọc dài Tổ Quốc. Nàng cười hiền dịu : gọi nó là những bước chân nở hoa…
Những chiếc giày đế vẫn lưu cữu những gì tôi từng bước lên. Đất đỏ ba dan, đất vàng đất sét , những viên đá viên sỏi li ti găm vào lớp cao su như một chứng vật gợi nhắc. Duy có một đôi đế mòn nhưng không đọng lại chút đất sỏi nào cả. Ấy là chuyến lên Đồng Văn - Hà Giang, đường trải nhựa kéo về đến tận bản, tận chợ huyện, núi đá cao nguyên đâu thể bám đất bám sỏi như ở những nơi đâu...
Tôi lên với cao nguyên bằng niềm hứng khởi, khát khao, mong ước của đứa con sinh ra từ đồng bằng được ngược mình về với núi. Người đồng bằng quen nhìn thảm lúa thẳng cánh cò bay, quen nhìn triền đê cỏ lau lặng mình sánh bước với dòng sông lãng đãng tìm đến tận nơi đâu xa tít. Người đồng bằng quen với phẳng lặng, êm ru, những thanh ngang thanh huyền trong câu chèo vảng vất...
Lên với núi, những con dốc dựng người, những sườn đèo oằn mình tựa con chăn khổng lồ giãy chết. Ô tô lắc lư, đa phần tài xế người bản địa mới giám đi đoạn đường này. Xe lên cao nguyên cũng nhất quyết không thể là loại xe to hơn 24 chỗ. Ngồi trong xe giống với việc bạn tham gia vào trò chơi cảm giác mạnh. Dốc men theo sườn núi, một bên vách đá lởM chởm bạc tím, một bên vực thẳm bao la với những nóc nhà sàn li ti bao diêm và dòng sông Nho Quế uốn mình như sợi chỉ...
Người đồng mình không hề biết ở miền trời cùng đất tận này, đứa trẻ lên năm đôi chân trần dẫm nát sỏi đá, đội nắng cháy đội mưa to cõng gùi vượt mấy quả đồi từ đêm hôm trước để sớm hôm sau kịp buổi chợ huyện. Tôi ngồi xe điều hòa mấy tiếng đã thấy mắt mờ tay run, dầm qua một trận mưa y như rằng ngày sau liệt giường ốm yếu. Âu cũng là cái khí huyết kém, trốn chạy nắng trời dễ làm bản thân trở nên yếm thế, thiếu những miễn dịch mắc phải...
Đến với cao nguyên, dậy niềm phiêu lưu chân trời góc bể, chợt thấy mình có cái tâm thế của một lữ khách giang hồ, thiếu bầu rượu thiếu thơ ca để có thể vút bay lên ngàn thước đá, dang tay ôm cả vào lòng càn khôn vũ trụ.
Sống lại cảm giác của những thước phim cổ trang Trung Hoa ngày cũ, chợt nhủ mình để mắt tìm những vách núi ghi tạc dấu vết cha ông thuở khai sơn lập địa. Phiêu sao cho bằng giây phút một mình ngồi lặng bên cốc cafe trên gác ba phố cổ, thả tầm nhìn bay vút tận chân mây đang giăng giăng đỉnh núi, tiếng nhạc không lời với thanh âm sáo trúc, nhị, nguyệt cầm nâng núi cao càng thêm cao mãi, nhưng hồn ta lại đã vảng vất tận lưng chừng không, bay lên theo cánh chim trời... Phố là của người Tày, nhà cổ có lối kiến trúc kiểu tửu lầu thường thấy trong phim võ hiệp, toàn bằng gỗ... Nhà cổ của người Tày nhưng đã bị người Kinh từ xuôi lên mua lại. Chạnh lòng nghĩ tới hai chữ “ thị trường” khi đột ngột nghe tin Đồng Văn thành Công Viên Địa Chất Toàn Cầu bởi những kiến tạo, cấu trúc đa tầng đa dạng đa nguyên... Rồi không lâu sau nữa, nơi đây đã lại là miếng mồi ngon cho những đôi mắt tinh tường nhậy bén thời cuộc, phố sẽ bớt cổ, chợ bớt phần khôi nguyên, thức hàng từ xuôi lên xô bồ lấn át chen chân sản vật từ rừng từ núi... Nhưng cũng cần phải thế, vẫn có những mặt lợi không gì sánh nổi khi mà đồng bào thiểu số mình được tiếp cận với văn hóa văn minh nhanh chóng. Rồi đây các em nhỏ sẽ bớt sợ người lạ, những ánh mắt len lén trở nên mạnh dạn hơn, các em đã có thể mặc những bộ quần áo tối đến đem giặt sạch thơm tho và cùng chúng bạn vui đùa trường lớp. Bố mẹ các em lại được mở mang kiến quan, rất có thể sẽ biết tận dụng những thức vườn nhà nâng lên tầm đặc sản, quảng bá với người Tàu người Tây về sự đang dạng, đặc biệt của dân tộc Việt Nam mình...
Tôi đi chợ huyện, đôi mắt to tròn hau háu thu vào mình những cảnh tượng lần đầu tiên được thấy. Trai gái già trẻ xúng xính trong bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất. Cả tuần mới có một lần được tới chốn đông người. Cả tuần quần quật trồng ngô chăm gà chăm dê chăm lợn mới được một ngày thỏa sức no nê đánh chén. Cả tuần trai gái đến ngưỡng cập thì mới có thể gặp nhau trao duyên tình tự... Không giống dưới xuôi, đồng bào mình bán rượu bán đồ ăn riêng biệt từng quán. Quán nào bán rượu, thì chỉ toàn rượu không, dăm ba bàn kê dọc lối chợ, mỗi bàn xếp vài cái bát và để sẵn một chai rượu ngô nút lá chuối. Rượu nặng, nhưng thuần chất, uống vào đến đâu cảm nhận từng hạt men thấm qua thành ruột tan vào với khí huyết tới đó. Uống cho no cho say, uống ừng ực như thể trút vào buồng họng cả bầu trời cả ngọn núi, đã chạm là phải cạn, đã quý là lại mời, uống xong men sang ăn bát thắng cố, húp tô bột đậu, ăn chiếc bánh gạo, rồi lại trở về nâng bát chạm tiếp uống tiếp... Chợ thường họp từ sáng tới chiều, tàn chợ cũng là lúc bà con ửng hồng mặt mũi, bước chân chàng trai chuyếnh choáng say. Những người vợ nán lại chờ chồng, những cụ ông cụ bà lăn kềnh ngủ ngay tại chợ. Giữa cao nguyên nắng gió, nền trời cũng xanh hơn hết thảy. Họ lăn kềnh mắt lim dim cảm dư vị tuyệt vời mà men say mang lại, rồi thiếp đi, bỏ mặc tất cả thanh âm, bỏ mặc chuỗi ngày mệt nhọc. Đêm đồng Văn se lạnh, cụ ông cụ bà thanh niên trai tráng nằm đó giữa đất trời, thiên nhiên chắt lọc những gì tinh túy nhất, thấm qua da thịt, để hôm sau thức giấc, thấy trong người như tuôn trào một nguồn năng lượng mới, một dòng hào sảng mới... Cảm được cái triết lý đó, tôi cũng thấy trong lòng lâng lâng, té ra là con người nơi đây với xứ sở đất đai mình đã có mối giao hòa đặc biệt. Họ cứ hồn nhiên lao động, hồn nhiên thả mình về với thiên nhiên nguồn cội, để có cái thần thái vô ưu khoáng đạt toát lên từ đôi mắt. Người xuôi mình mỗi giấc no say lại lo trúng gió lạnh người, co cụm thân thể như nhộng con núp chìm vào trong kén...
Sinh ra ở cao nguyên, nên con người nơi đây có cái nhìn thăm thẳm vượt lên mười ngọn núi, tiếng nói tiếng cười, tiếng khóc cũng vang xa như thác đổ trên ngàn. Yếu tố ngoại cảnh muôn đời chi phối lớn. Địa bàn càng gập ghềnh khúc khuỷu hiểm nguy, cái chí con người nơi ấy càng được tôi luyện hơn bao giờ. Nhớ đến các bậc chính nhân anh hùng võ học, họ xuất thân từ những nơi thâm sơn cùng cốc, trải qua bao khổ luyện, để khi xuống núi tiếng tăm vang dậy bốn phương trời. Cảnh trí sinh con người là vậy!
Tôi còn nâng niu một tấm áo quần thổ cẩm. Mất bẩy trăm nghìn để có nó. Trang phục người Mèo trên cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều nét đặc biệt. Không kể đến những tỉ mỉ điệu nghệ tinh xảo đường nét hoa văn, chỉ bàn tới chất liệu không thôi cũng đã thấy họ kì công đến mức nào. Nếu để ý, du khách dễ dàng nhận ra trên tay phụ nữ Mèo lúc nào cũng cuốn dây se sợi, ấy là sợi lanh, vừa chắc vừa dai vừa độ bền tốt. Mất mấy tháng trời cho công đoạn se sợi, thêu thùa để hoàn thành một manh áo. Áo ấy mặc vào mùa hè thấy mát da mát thịt, mùa đông gió lùa lại ấm áp như bông. Đồng bào mình trên ấy mặc y phục rất ít khi thay, ấy thế mà trang phục không bao giờ mòn không bao giờ ố như vải may dưới xuôi bây giờ. Bẩy trăm nghìn cho một quá trình kỳ công và tỉ mẩn, âu vẫn còn là rẻ lắm!
Có lên Cao Nguyên mới biết, người đồng bằng mình được thiên nhiên ưu đãi nhiều. Phù sa châu thổ đem dinh dưỡng từ thượng nguồn đổ về bổi đắp hạ lưu, nhiều khi chỉ lỡ tay rơi hạt xuống đất lầy tức thì hạt đâm mầm nảy lộc sinh sôi xanh tốt. Đồng rộng sông dài cũng sẵn cá sẵn tôm. Đến với cao nguyên, đồng bào mình “sống trên đá chết nằm trong đá”. Gánh đất đổ lên đã núi để trồng ngô. Mưa gió cuốn trôi lớp đất, mà xem cái cánh bám đá cheo leo, thấy thương cây ngô, thương đồng bào ta vô cùng. Cây ngô cũng như con người vậy, vẫn cứ sinh sôi đâm chồi trỉa bắp, chắt chiu dinh dưỡng thớ đá để đâm bông đâm nụ. Người trên đá thác đi lại trở về với đá, nằm trong đá. Những ngôi mộ ghép lên từ bao phiến đá, gió lùa kẽ hở lạnh giấc ngủ người về với đá, hồn vút bay tan ra giữa lưng chừng trời...
Chuyến ấy tôi lên gặp một đàn em nhỏ vừa tan tiết học, tốp cô giáo người Kinh dắt các em ra cái bể hứng nước ngoài trời để kì cọ , tắm giặt. Có những em đầu lở loét những mảng da con chấy con rận hút cạn máu chỉ còn trơ tróc. Sống ở núi giọt nước quý như giọt vàng, một chậu nước phục vụ từ khâu đãi ngô đãi gạo rửa rau rửa mặt, cuối cùng là đem đổ vào quấy cám cho lợn gà gia cầm gia súc. Khi mà cái uống còn khan hiếm, thì việc tắm táp cho thôi bẩn tưởi có nghĩa lý chi ???
Cô giáo người Kinh trạc tuổi tôi, vuốt ngược sợi tóc mai lên vành tai, ánh mắt xa xăm:
- Chúng em lên đây cũng vất vả lắm, nhưng nó chưa thấm vào đâu so với nỗi buồn, cô đơn anh ạ. Người mình đã quen với thị thành, quen với đám đông bè bạn, lắm lúc ngồi nhìn mây giăng đỉnh núi mà khóc thương cha mẹ ở dưới kia, tuổi già còm cõi xa con xa cháu, khóc thương cả tuổi thơ mình. Núi cao nếu là chốn thăm thú cho thỏa cái khát khao khám phá, bay nhảy thì tốt, nhưng để mà gắn bó, ăn đời ở kiếp với người Kinh mình, thì là điều tuyệt nhiên không thể. Em lên đây, nhiều lúc muốn về, nhưng đồng bào mình giữ lại, và nhìn ánh mắt trông mong tội nghiệp của tụi nhỏ, em cũng chẳng đành lòng. Người Kinh lên đây tuy thiệt thòi nhiều, nhưng Chính Phủ quan tâm bù đắp cho cái cuộc sống đỡ phải chật vật, có khi còn khấm khá hơn so với ở quê.
Tôi gật gù đồng cảm, dù sao thì có những người như các em, mới trọn cái nghĩa cái tình đùm bọc giống nòi của dân tộc tự ngàn đời...
Người đồng mình đập đá kê cao quê hương
Tâm trí tôi gợi nhắc câu thơ ấy trên con đường ngoằn nghèo ô tô đâm đầu xuống. Đồng Văn bữa ấy nắng lên trong, núi ấp ôm mây cùng những anh em làng bản giơ tay tiễn biệt. Tôi thôi quay đầu lại, để tạc vào lòng những hình ảnh thân thương đang xa bước tôi đây, chẳng biết khi nào mới được gặp lại...
Cho đến bây giờ, và mãi mãi, đôi khi lặng mình bởi những bon chen xô bồ ngột ngạt chốn thị thành này, tôi vẫn lên tầng thượng, trông về trời Bắc xa xăm.
Ở nơi ấy, họ đã sống, đang sống như những bản hùng ca...
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét