THÁNG TÁM
( Đã đăng báo Phú Yên )
Góc phố ấy chỉ hợp với mùa đông. Những mảng tường mịn màng
bắt mắt độc một màu xám lạnh. Phố không cây, chắc vì vừa phôi thai- bước tiến
nhỏ trong cái bản đồ quy hoạch vùng đô thị mới ngoại thành Hà Nội. Lần đầu tiên
vô tình lạc đường qua lối ấy, trong tôi cứ mãi vảng vất cái dư vị giống như cảm
giác một bức tranh thủy mặc mang lại. Đẹp, buồn, cô đơn, tĩnh lặng đến khôn
cùng…
Tôi
sẽ không viết về khu phố ấy. Sự mào đầu kia chẳng qua là chút liên tưởng, một
mắt xích phụ trong tấm lưới xúc cảm giăng ra trong óc tôi lúc này. Hẳn là bạn
sẽ bảo tôi đa cảm, hoặc ưa buồn. Điều ấy quả không sai. Ý tôi là: chẳng biết từ
bao giờ, tôi hay có thói quen ấn khung hình cảm giác vào cảnh vật. Đã lạnh, tôi
nhớ đến phố ấy. Như lúc này, buồn buồn gợi nhắc quê hương, trong tôi lại hiện
lên những buổi chiều tà mặt trởi ửng đỏ, sương lan man buông quyện vào màn khói
lam chiều cay cay rơm rạ hăng hăng vị đất đồng. Cảnh ấy người ấy đích thị là
quê hương trong tôi...
Tháng
tám, vơi bớt gay gắt nắng vơi bớt gió cuồng vơi bớt lo âu. Lúa vào thì trổ hạt,
từng làn gió bấc mát lành thoảng đưa tiếng chuông nhà thờ từ xa vọng lại. Trời
xanh cao hơn, mây trắng bồng bềnh hơn, tiếng chim cũng trong veo đến lạ! Lũ trẻ
chăn trâu thả diều, buông câu, thả cả ước mơ lan xa cùng sóng lúa. Bố đi đánh
dậm về, bát canh cua ban trưa đằm trồ ngọt lịm...
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Hương chùng chình qua ngõ
A! Mùa thu đã về...
Vườn
tôi cũng trồng một cây ổi. Thuở xưa cả làng khen cây ra trái vừa ngọt vừa thơm.
Mẹ tôi hái đem ra chợ, một nghìn đồng được cả một túi to. Mẹ cười: bán chỉ là
cái cớ, lộc nhà nên đem đi chia sẻ, lộc sẽ thọ lâu. Ý đấy đúng thật. Càng năm
ổi càng ra sai, từng chùm vàng ươm tỏa hương đung đưa kẽ lá mà không bị rụng.
Mẹ tôi đem đi không hết, đám chào mào tọc mạch đến mổ mang đi, hạt ổi rụng
vương vãi khắp nơi, lên xanh rờn cả bờ ao nhà hàng xóm. Láng giềng không nhổ,
có ý chăm cây ấy lớn lên, thành ra giờ đây mỗi lần trở lại quê đúng dịp, vừa về
đến cổng đã nhận ra hương thơm lan man thu vào buồng phổi. Nhớ lắm!
Giờ
này ổi cũng đã tỏa hương. Thứ hương đặc trưng mang mang tôi thường hình dung
trong trí não. Hương ấy cũng gợi nhắc trong kí ức chàng trai xa xăm vị ngọt
tình đầu. Cho đến giờ, tôi vẫn mường tượng vẹn nguyên ánh mắt trong veo của Huế
ngày ấy, ánh mắt dõi lên tôi, xuyên qua từng chùm vàng tươi trái ổi. Thuở thiếu
thời hồn nhiên ngây thơ, có biết gì đâu! Thằng con trai vỡ giọng ồm ồm vịt đực
vẫn cứ loi choi mặc quần đùi xung phong leo cây hái quả. Huế khi ấy đã khác Huế
của những năm trước đó, không còn vồ vập miếng ăn thơm thảo vườn tôi quá nữa.
Tôi chìa tay đưa về nàng mớ thành quả, thoáng giật mình khi thấy mắt môi đối
phương ửng đỏ thẹn thùng. Tận cho đến lúc nàng lắc đầu nguẩy mông chạy mất hút
sau cánh cổng tre rêu hoen, tôi mới vỡ lẽ đập đầu. Than ôi cái quần đùi tội
nghiệp... Huế bây giờ đã lấy chồng, mới sinh con đầu lòng. Lần gặp gần đây
nhất, là khi nàng vừa cùng chồng chuyển về từ bệnh viện hộ sản. Phụ nữ đã có
con thì tia nhìn cũng thật khác, không treo veo lúng liếng, nhưng đằm vị thương
yêu. Tôi lại trở về chốn phồn hoa đô hội, bỏ lại sau lưng mái tóc Huế xổ tung
che phủ vai gầy, thẹn thùng vạch bầu vú mọng căng cho đứa trẻ bú, không giám
ngước nhìn... Thời gian là thứ nước dầu nhờn làm cho mọi sự vào guồng hết thảy.
Nhưng chúng tôi vẫn sẽ tìm về thủ thỉ dưới gốc ổi mùa hương, tìm về trong kí ức
của nhau. Chắc chắn...
Quê
hương, tháng Tám, những đêm trăng. Đom đóm được dịp tắt đèn, ngừng tuần đi gác.
Làng trên xóm dưới rộn tiếng trống, tiếng kèn tụi trẻ đổ về sân nhà văn hóa tập
múa thiếu nhi. Hạt gấc, hạt bưởi trở thành ngọn nến thắp, trái bóng hỏng, hộp
đựng bột giặt trở thành những chiếc đèn lồng. Tụi trẻ túm năm tụm ba hùa nhau
chạy biến, để lại phía sau đám con gái hét toáng cũng ù té theo, vụt qua căn
miếu dưới gốc đa già thân hằn lên những rễ quăn queo như con rắn. Anh phó bí
thư đoàn lùn tịt , hất mái tóc bổ luống chia ngôi, thổi còi tuýt tuýt. Chị phụ
trách đội múa có cái răng hô, lúc nào cũng đưa cánh tay phải khẳng khiu ra dóng
hàng thẳng đuột. Tụi nhỏ đồng thanh hát bài đồng dao gắn ghép anh chị, thấy
“người lớn ngượng nghịu cũng giống bọn mình”, thành ra tối nào anh chị “ là một
đôi chim sẻ” ấy cũng mất khá nhiều thời gian cho việc tập trung xếp hàng dạy
đàn em thơ tập múa...
Tháng
Tám của những ngày cuối cấp Trung Học phổ Thông, vẹn nguyên cái cảm giác ngậm
ngùi mỗi chiều luyện thi về qua nhánh đường đồng hun hút gió. Quê hương khi ấy
là một vệt xanh mờ trải dài đến tận lũy tre đầu xóm, có hàng cau xòe ô dang tay
đón đám sẻ ri quay bước trở về. Là cái buồn buồn tiếc thương những gì đang dần
thành quá vãng. Là đôi mắt ngác ngơ thảng thốt ngập ngừng của thằng trai vừa
kịp nhận ra mình đã lớn, đã có thể sẽ kiếm tìm những gì lớp đàn anh đàn chị
từng lao theo, ở những chân trời nào thật khác...
Cánh
đồng làng mênh mông gió, ngọn cỏ lau hấp háy nghiêng đùa những triền đê. Từng
đàn cò trắng bay ra từ ca dao, dệt lên không trung nỗi buồn của tuổi.
Thôi
lấm láp bùn lầy.
Thôi
thả diều cắt cỏ.
Thôi
buổi sớm chiều đầu trần chân đất buông câu miệng ao hồ sông ngòi cá rô đồng
trẩy hội.
Thôi
cả những đêm chiếc thuyền nhô mũi dập dềnh ngửi vành trăng treo chênh vênh phía
trên mảnh cầu cong cong xa tít. Thảm cát vàng từng in dấu chân đôi lứa mãi hun
hút trải về tận những nơi đâu...
Đã
nhiều năm tôi xa nhà quăng thân vào với bon chen Hà Nội, đôi khi chợt nghe thấy
tiếng gáy của một chú trống choai hiếm hoi vang lên trong lòng thành phố, lòng
bỗng quặn những nối nhớ khôn nguôi.
Cũng
như buổi chiều nay trên ban công, tôi nhìn mặt trời tắt màu ửng đỏ, gió mơn man
nâng niu mùi hoa sữa phảng phất đầu mùa, thấy da mình hằn lên từng cụm gai ốc,
đó là hình hài của hoài vọng. Thành phố này nâng đỡ ước mơ tôi, nhưng cũng khép lại những chiêm bao đã cũ.
Phố
mùa đông từ trên ban công tôi cũng thấy.
Từ
trên ban công, tôi cũng thấy, bóng dáng của quê hương.
Thôi,
tất cả, hẹn một ngày trở lại. Chắc cũng vẫn còn thu...
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét