THỬ NHẮM MẮT ĐỂ TRÔNG RA CUỘC ĐỜI





Cửa sổ có một khoảng sáng hắt vào. Là vì tôi mở hé. Khoảng sáng khiến tôi chói mắt. Tôi biết rõ căn nguyên của sự ấy. Tôi hiểu : một khi tôi còn sợ nắng, một khi tôi còn mãi ngồi đây, thở than bóng tối, thu mình trong bọc, tôi vẫn chỉ có thể nhìn ra ngoài kia bằng những cái nheo mắt bị động, đầy yếm thế...

Tung tăng ngoài nắng, sẽ hết chói mắt thôi...


Hồi nhỏ, mắt tôi rất sáng. Con ngươi lúc nào cũng hau háu nhìn ra cuộc đời, bất cứ sự gì cũng gây niềm hứng thú. Và thế giới khi ấy mênh mông, ảo huyền, long lanh lắm. Tôi có thể chỉ ngồi bên cửa sổ trông ra khoảng đêm mà hình dung rõ mồn một đôi con dế đang tự tình dưới gốc mía- qua tiếng kêu của chúng. tôi thường xỏ chỉ giúp bà, nhặt sạn gạo cho mẹ, chơi kim kỉm kìm kim đứng đầu lũ bạn...

Lớn dần, nhãn quan nới rộng, thế giới thu hẹp theo từng bước chân tôi đi. Có điều là...tôi bắt đầu mắc tật cận thị. Phần vì đọc sách thiếu khoa học, phần vì mải mê vùi đầu vào màn hình điện tử với những trò hút mắt con trẻ. Tôi bắt đầu biết sợ bóng tối. Bố bảo: ánh điện nhà mình không tốt, hạn chế học bài ban đêm thôi, tranh thủ làm chu tất bài tập ban ngày sẽ tốt hơn... Mắt tôi ngày một cận nặng. Và khi cặp kính trên đôi mắt tôi đủ dày để bọn bạn gọi là...đít chai, cũng là khi tôi ép mình từ bỏ những cuốn truyện tranh một thời giữ khư khư như báu vật. Những cuốn truyện tranh đưa tôi đến với chân trời của tưởng tượng, của mộng mơ, của ước muốn trải mình ra trang giấy qua kí tự và buộc nó bay lên cao theo những trái bóng căng tràn khí hidro gửi ước muốn bao la bầu trời...


Bây giờ thì...tôi lại sợ sáng. Tôi sợ nhìn cái gì quá rõ, rõ đến độ hiển vi tận đến cấu trúc, mấu mụn tế bào. Tôi bắt đầu trốn chạy nắng để chỉ giam mình trong căn phòng 14 mét vuông với một mặt tường toàn bằng kính trong suốt chỉ mở rèm mỗi lúc đêm về. Ngoài sáng, mọi sự trở nên trần trụi, đôi khi cả những thứ đèm đep cũng thành thô kệch quá đỗi. Thà mình đừng biết mình đừng thấy, cứ hồn nhiên tôn thờ hồn nhiên gìn giữ hồn nhiên phấn đấu thế thôi... Chắc chắn từng có lúc nào đó, tôi đã coi khinh tất thảy mọi thứ xung quanh mình, đến độ tôi chỉ thấy tôi như một quy chuẩn. Và vì thế, tôi ngơi hoạt động, ngơi sống, chỉ tồn tại như một cỗ máy, coi cuộc đời, nhịp thở, miếng ăn...như một sự bất đắc dĩ đến phiền lòng...

Mắt tôi bây giờ đã mờ. Không để tâm mà tìm ra logic giữa tật cận thị và loạn thị, nhưng hai chứng ấy chuyển hóa trong đôi mắt tôi rất nhanh. Đùng một cái bác sĩ bảo thay kính. Vâng, thì thay kính. Lắm lúc thấy cái hạnh phúc của một người khiếm thị bẩm sinh. Thật ra người ta quy kết chữ "khiếm" cũng không hoàn toàn tôi thuận ý, hoặc chỉ thuận ý ở cái hướng xét bộ phận sinh học trên cơ thể người. Sự thực thì người nào mà khuyết đi một hay hơn một giác quan, thì sức mạnh tiềm năng của các giác quan còn lại được nâng lên rất rõ, nhiều lúc đến độ kinh ngạc, đến mức ...ngoại cảm ( tức cái giác quan đặc biệt được khai thông). Thì đấy: lắm lúc tôi muốn được như họ. Một khắc nào đó, rất có thể bạn sẽ dày vò thán trách chính mình vì đã...vô tình hay hữu ý chứng kiến những cảnh tượng ấy! Hẳn là bạn sẽ đưa tay che lấy "cửa sổ tâm hồn" của chính mình. Bất lực trong việc xả stress, điều còn lại là bạn chỉ biết trách cứ...đôi mắt mà thôi. Ngày xưa, cái thời hào khí trượng phu tinh phách ngút trời, các cụ ta coi cọng nghĩa khí hơn cái chết, tiền bối có thể không kìm nộ khí mà đưa tay móc luôn nhãn giới. Móc cho mù cho câm tịt hẳn. Lại có cao nhân võ học khuyết đi ánh nhìn mà tinh thông mọi sự, xuất chiêu né chiêu chỉ bằng cảm giác trực giác xúc giác thính giác, lắm lúc vị giác cũng được huy động vào cuộc, thật khâm phục thay!

Nếu xét cho cùng, thế giới này hệ lụy "chủ nghĩa hình thức" cũng bắt nguồn từ...đôi mắt. Vô thường lắm! Tôi từng biết có người phụ nữ xinh đẹp nết na rất mực thảo hiền chẳng may vì tai nạn làm biến dạng khuân mặt mà phút chốc cuộc đời như sa vào tù đầy khổ ải. Cái mặc cảm lương tâm mới là chốn ngục tù ghê rợn nhất. Thà rằng cứ như hai vợ chồng ngặt nghẹo thân xác không hoàn toàn mang hình dạng con người, nhưng họ mãi mãi chẳng thể biết điều đó, chẳng để tâm điều đó, họ khuyết đi đôi mắt như một sự ban ơn hay sự đền ơn của Thượng Đế - khi chẳng may khiến họ có mặt trên cõi đời. Yêu thương nơi họ khi ấy là thứ yêu thương đủ đầy nhất, toàn vẹn nhất, không khiếm khuyết nhất...

Mắt tôi đã quá cũ. Hoặc là do nhìn nhiều những thứ không nên nhìn thành ra càng ngày nó càng trở nên thậm tệ. Nước mắt bất lực trong việc sát vi sinh vật có hại để chở che bảo vệ đồng tử. Tôi cũng không còn tha thiết lắm với việc mỗi sáng ra nhâm nhi xong cốc cafe chút điểm tâm, thì lại ngồi vào bàn đọc báo. “Cuộc đời về cơ bản là buồn”- vậy nên việc nhìn nhiều sẽ càng gây chán chường mệt mỏi. Có sự vụ người ta chỉ vì ánh mắt liếc xéo " nhìn đểu" mà thành ra mất mạng. Đừng có nhìn làm chi!...


Hôm qua thấy đứa trẻ dắt díu trong tay mẹ nó, nó giương đôi mắt nhìn mình qua đôi kính màu hồng hình trái tim cách điệu! Xinh xắn thế chứ! Đáng yêu thế chứ! Nhưng nó nhìn tôi và sợ sệt một phép. Chỉ vì " mẹ ơi, chú ấy đeo kính đen". Tôi bật cười trong lòng: con bé đeo kính hồng mà vẫn nhìn ra sắc tố của cặp kính tôi đeo trên mặt, thật tài tình! Thì như đã nói, tôi đã mắc bệnh sợ sáng, cho dù mắt không còn được tinh tường nhưng qua đôi kính đen, tôi quan sát đời dễ chịu hơn tất thảy. Dù sao thì đứa bé sợ cũng chỉ để mà sợ, không phải ai săm trổ cũng là đầu gấu, cặp kính đen tôi đeo không giống cái cách mà bọn xã hội đen thị uy nhe nanh nhe nọc...

Dù sao thì, cuối cùng cũng nên gỡ bỏ mọi loại kính.
Tôi có cố gắng đeo cho mình một cặp kính màu hồng lãng mạn thì ngoài kia, họ vẫn cứ tàng trữ, chạy đua vũ trang, vẫn cứ nhăm nhe quan sát thân thể nhau tìm yếu huyệt, vẫn cứ kèn cựa nhau lấy sự thụt lùi của đối phương làm bước tiến ý nghĩa nhất cho mục tiêu mình phấn đấu. Rốt cuộc thì văn hóa văn minh tới mấy thì nhân loại cũng không thể sáng tạo ra cỗ máy " tiệt trừ lòng tham". Cũng như vị thần y chưa bệnh muôn phương nhưng lại bất lực cho việc cứu sống chính mình...

Đến giờ thì, việc nhìn nhiều gây cho tôi hoang mang.
Tôi hồ nghi tất cả. Sự sợ hãi và lo âu luôn túc trực trong tôi.
Đang ngủ ở giường, tôi cứ nghĩ sẽ có một vật thể lạ từ bầu trời đổ ập xuống, đè nát khu tập thể. Tôi cứ nghĩ ngoài của sổ, có ai đó cầm một khẩu súng, và ngắm về phía tôi.

Quả thực không chỗ nào tôi cảm thấy yên tâm. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Bất cứ lúc nào.
Tôi sợ chết! Tôi sợ sẽ không được ai yêu cuồng nhiệt như cái cách tôi vẫn làm với những ai đó…


Vừa rồi, tôi có trở lại quê, có gặp lại Khoai. Khoai là tên gọi chú chó vàng sinh ra và lớn lên cùng tôi. Nghĩa là tuổi nó cũng là tuổi tôi và đáng lí ra mọi người phải nhìn vào chúng tôi như hai người bạn. Cái chênh lệch giống loài khiến đôi bạn trở nên có phần không ăn khớp. Trong khi tôi đang phơi phới say mê ủ ê với những nỗi niềm tuổi trẻ, thì Khoai đã già. Tôi trở lại quê lần này cũng chủ yếu để gặp lại nó- chú chó đã gắn bó cùng gia đình tôi trải bao thăng trầm hoạn nạn, ăn đời ở kiếp. Tôi cũng sẽ viết về cuộc đời nó, phần đời tôi, nhưng trong một bài viết khác. Sự có mặt của Khoai trong tản mạn này chỉ là thoáng qua, và tất nhiên, vì đôi mắt già nua của nó.
Mắt Khoai và tôi đều mờ đều đục. Cái đục nơi Khoai là đục của tuổi già, mắt nó nhìn gần như toét. Vẫn vị trí ấy- góc bếp. Dường như Khoai- bằng thiên phú giống nòi hay bằng bản tính giác ngộ, nó đã sớm xác định được vị trí chính xác neo tựa cả đời mình. Thuở nhỏ, tôi nhớ không nhầm thì trên dưới mười lần bố mẹ tôi có ý chuyển dời nơi an tọa của nó ra khỏi góc bếp mà không được. Giờ thì nó vẫn nằm đó, lim dim mắt khi nhận ra tôi- người bạn tri kỉ đã trở về. Đó đã là mức biểu hiện cao nhất của tình cảm. Vì Khoai không còn có thể nhảy chồm lên với cái đuôi ngo ngoe xoăn tít, quặp chặt hai chân vào bắp đùi tôi và ra sức dướn để liếm lên mặt khi chủ nhân cúi xuống. Khoai bây giờ đã ở vào cái tuổi thượng thượng thọ hiếm có của loài chó. Nó mang đầy đủ đặc tính của người già: ậm ẹ, nặng nề, ì ạch. Bố bảo: thường ngày nó chỉ nhắm tịt mắt, kể cả khi ăn, bắt đầu có những biểu hiện tuột dốc của cơ thể: những cơn ho húng hắng kéo đến hành hạ nó mỗi khi đêm về. Cái lim dim mắt nhìn tôi ở Khoai, ấy là cả một sự cố gắng. Đến một lúc nào đó, tôi cũng sẽ như nó, an phận và bất lực nhìn thời gian...


Khoai nhắm mắt. Nhưng không phải nó đã thôi nhìn. Sự khép lại kia chỉ là cái đóng vào của cơ quan sinh học. Kì thực nó vẫn nhìn đấy, có điều nó đã thôi nhìn theo cách của chúng ta, nó nhìn ngược về đời mình, về tuổi thơ, về thời trẻ... Hẳn là nó đã thấy được lại nó của nhiều năm về trước, trong những cơn mơ mà con vật ngọ nguậy tay chân, thở dồn thở hắt...

Tuổi già hướng nội. Cảm thức về thời gian cũng sai lệch đi nhiều, hoặc là bốn mùa vần vũ trên đầu đã thoát khỏi trường nhìn, thoát hẳn.

Bất giác tôi rơi nước mắt. Sự hình dung về ngày Khoai bỏ chúng tôi mà đi, đã gần thành nỗi ám ảnh. Có những phút khép mi để ánh nhìn trở nên trong hơn hết thảy, các bạn tin tôi đi ...

Và giờ thì, tôi vừa mới khép lại ô cửa sổ. Tôi thấy mình cần phải mở ô cửa lớn, và tiến ra ban công... Bao lâu rồi con ngươi không còn quen với nắng, đồng tử điều tiết khá mệt mỏi...

Đến một lúc nào đó, tôi cũng chỉ nhắm mắt để nhìn ra cuộc đời.

Nhắm mắt, để đưa mình về với tinh khôi...



2 nhận xét :

  1. Cửa sổ có một khoảng sáng hắt vào. Là vì tôi mở hé. Khoảng sáng khiến tôi chói mắt. Tôi biết rõ căn nguyên của sự ấy. Tôi hiểu : một khi tôi còn sợ nắng, một khi tôi còn mãi ngồi đây, thở than bóng tối, thu mình trong bọc, tôi vẫn chỉ có thể nhìn ra ngoài kia bằng những cái nheo mắt bị động, đầy yếm thế...
    thật ý nghĩa!

    Trả lờiXóa