CHÙM TRUYỆN THIẾU NHI HML

Tình cờ tìm được lại mấy cái truyện thiếu nhi, blog nhóm bút Nhiệt Đới còn giữ lại được, thấy vui mừng hết cỡ. Vì rằng đây là những con chữ lưu dấu thuở bắt đầu tập tọng, làm quen với việc triển khai ý tưởng, rất vụng dại ngây ngô, nhưng trong sáng quá đỗi!
Nói thêm rằng cho tới giờ mình vẫn tiếc hoài 2 tập bản thảo, 1 tập truyện viết cho thiếu nhi- thuở đầu chập chững viết, sau nâng dần đối tượng lên thành tuổi mới lớn, tuổi teen. Tất tật gồm hơn 30 truyện ngắn, chưa kể tản văn, tản mạn... 1 tập nữa là tập thơ, cũng bao gồm cho thiếu nhi và cho tuổi mới lớn. Thơ cũng hơn 30 bài, ghép vần giản đơn, cái được có chăng là những xúc cảm, những tư duy, những rung động độ tuổi ấy.



2 tập đó, phần nhiều là đã đăng báo địa phương, đã phát trên sóng Đài TNVN. Ngày xưa mình còn có mấy cuốn băng- thâu lại gần như tất cả chương trình phát sóng của Đài mà có truyện, có thơ của mình. Một thời giữ như vật báu, còn cả 1 thùng giấy đựng thư từ của các bạn bốn phương gửi tới làm quen nữa, hồi ấy trung bình mỗi ngày mình nhận 10 lá thư kết bạn. Chao ôi là nhớ!

Vào Đại Học, mình không còn giữ được bản thảo ( đánh giấy), tiếc thay là không có bản dữ liệu lưu ổ cứng hay đăng tải trên internet ( thuở nhỏ biết gì đâu).
Theo học khoa, những ảo tưởng ban đầu- tự cho mình là số zách numberone cũng tan biến. Vì hình như mang máng nhớ là ngay buổi đầu, thầy giáo đã quán triệt : " Những gì đèm đẹp, ngòn ngọt kiểu ngây ngây thơ thơ học trò, các cô các cậu phải biết ...dũng cảm mà ...đốt hết đi! Dám đốt những gì mình từng nâng niu, đó là điều cần, để hướng tới đột phá, cũng là thể hiện được cái...bản lĩnh của mình"...
Ôi thôi, nhớ lại, thấy trách mình ghê gớm, ra là mình đã làm điều thầy gợi ý theo ...nghĩa đen trần trụi nhất! Cái nghĩa bóng tinh vi lẩn quất lưng chừng trời kia, mình không mảy may nhận ra, không mảy may đếm xỉa. Thật là non tơ quá đi mà !

Hoài niệm một chút vậy, dưới đây xin giới thiệu các bạn chùm truyện- có thể nói là cũ nhất - về thời gian tồn tại, và sớm nhất- trong phạm trù cầm bút viết với khái niệm " sáng tác". Hình như những tác phẩm viết về sau - đã mất, có những sự chững chạc hơn lên...


1.  ÔNG NGẢNH CỔ

Con đường làng ngoằn ngoèo trườn theo lũy tre đầu xóm ra tới gần bờ sông. Phía cuối đường đang có một đám cưới. Tiếng người xen lẫn âm thanh sầm sập của loa đài làm huyên náo cả một khu xóm. Bọn trẻ con đang vây quanh một ông lão ăn mặc rách rưới, đấy là ông ngảnh cổ.
Chừng hai tuần nay người ta bỗng thấy ông xuất hiện ở cái xóm ven sông này. Chẳng ai biết gì về gia đình và tuổi tác ông. Nhưng nhìn dáng vẻ ông ai nấy đều thương cảm. Bên trong bộ quần áo rách tả tơi, ố mòn, lộ ra một thân hình gày còm, xám ngoét. Phía trên cổ ông: lù xù những mớ tóc xác xơ trùm kín hai má; mớ tóc ấy rủ xuống phần nhiều về phía bên phải bởi cái đầu ông lúc nào cũng như trực kéo thân thể còm cõi ngã vật xuống đường. Ông bị ngảnh cổ.
Có lần, một bà lão tỏ ý thương cảm, nấn ná hỏi ông về chuyện gia đình. Ông chỉ đứng yên, để cho hai hàng nước mắt khó nhọc vượt qua những nếp nhăn trên khuôn mặt khắc khổ, chạy xuống cằm rồi mất hút trong ngực áo. Ông ú ớ không thành tiếng. Bấy giờ mọi người mới biết ông bị câm, đó là lí do ông không mở miệng xin ăn được, chỉ lang thang trong các đám ma đám cưới, rồi khu chợ lụp xụp. Hễ thấy ông, chủ nhà lặng lẽ chỉ ông ra một góc khuất, lấy cơm cho ông ăn.
Chiều nay có hai bà cháu ăn xin bước vào khu xóm. Người bà chống gậy, đưa tay kia cho đứa cháu gái dắt đi. Hình như bà lão bị mù, và đứa cháu cũng sắp lả đi vì đói. Bọn trẻ con lại hò nhau vây quanh. Chúng nhìn hai bà cháu với con mắt khinh khỉnh. “ Tỏa ra các nhà đóng cổng vào kẻo sắp có ăn xin”- bọn trẻ rỉ tai nhau như thế. Nhưng hai bà cháu nào có còn một chút sức lực. Người bà sờ soạng lấy từ cái làn rách bươm một chai nước nhỏ đưa cho đứa cháu uống. Con bé vẫn không gượng dậy nổi. Bọn trẻ bỗng lại hò reo. Chúng dạt ra hai bên để một bóng hình hiện ra phía giữa khoảng trống. Đó là ông ngảnh cổ. Ông đang cúi xuống, dúi vào tay đứa bé gái một bọc gì đó. Chắc là phần thức ăn thừa ông dúm về từ đám cưới! Rồi ông lại lững thững bước đi, kéo theo cái bóng lom khom in trên mặt đường nóng bỏng.
Bọn trẻ đứng lặng bên hai bà cháu ăn xin, mắt lơ láo trông theo ông ngảnh cổ. Bóng ông đã khuất sau ngã rẽ đường làng. Sự tò mò dâng lên trong lòng bọn trẻ, rồi không ai bảo ai, chúng đồng loạt đuổi theo ông, đuổi theo cái bóng lúc chập chờn trong sắc xanh rợp ngợp của lũy tre- bây giờ lại như mất hút giữa hai vạt lúa cao.
Sẩm tối, gió đã thôi rì rào trên cánh đồng thênh thang. Gió tạnh và nắng cũng tắt. Bọn trẻ không cảm thấy nóng bức như hồi chiều. Nhưng đứa nào cũng tỏ ra mệt mỏi. Chúng đang nghĩ đến một xó xỉnh tối tăm nào đó ở cái vệt xanh mờ le lói ánh điện trước mặt, nơi mà ông ngảnh cổ đang trở về. Nhưng không, chúng đã lầm. Ông ngảnh cổ đột ngột dừng lại, rẽ vào khu nghĩa trang giữa cánh đồng. Đột ngột, bóng ông biến mất. Một cảm giác lạnh lẽo, hoang mang thoáng hiện ra trong lòng bọn trẻ. Chúng toan quay bước trở về. Bỗng chừng ấy con mắt lại mở to khi thấy cái bóng lom khom của ông ngảnh cổ xuất hiện trên ngôi mộ tổ cao nhất. Thêm một cái bóng nữa chạy đến ôm chầm lấy bóng ông! Bọn trẻ há hốc mồm: “ thì ra ông có một đứa cháu! ”.
Phải, một đứa cháu trai, trạc tuổi bọn chúng. Lũ trẻ sựng người. Bây giờ chúng đã biết ông thường lấy phần về cho ai rồi. Trước mắt chúng giờ đây là một góc trời đỏ lựng phía tây, in lên đó cái bóng phụng phịu của đứa cháu ông ngảnh cổ. “ Có lẽ đêm nay nó sẽ phải nhịn đói, bởi phần thức ăn ông ngảnh cổ lấy về đã đưa cho con bé ăn xin hồi chiều ”.- cái ý nghĩ đó đã khơi gợi lên trong lòng bọn trẻ một nỗi buồn xa xăm.
Con đường đồng xa vắng mờ dần. Sương đã xuống truyền cảm giác mát rượi theo từng bước chân ra về của bọn trẻ. Chắc hẳn giờ này chúng đã thấy đói meo. Mỗi đứa lại hình dung ra bữa cơm gia đình ấm cúng. Và...Cho dù có bị mẹ mắng hay đánh đòn vì ham chơi về muộn đi chăng nữa, chúng vẫn biết mình là người hạnh phúc!…



2.  CHUYỆN CỦA MỘT QUẢ BÓNG


Tôi là một quả bóng nhãn hiệu adidas. Tôi sinh ra trong một nhà máy công nghệ cao cùng với bao nhiêu anh em khác nữa. Chúng tôi cả thảy đều giống hệt nhau và được sản xuất ra để phục vụ cho Word Cup. Ấy là tôi nghe mấy anh bóng bảo thế. Và hôm nay, chúng tôi được đưa đến sân vận động thật.

Chao ôi, cái cảm giác khi ngồi ở vệ cỏ mới khủng khiếp làm sao! Mấy anh em chúng tôi bị tra tấn bởi vô vàn tiếng hò hét của hàng ngàn con người trên phía khán đài. Tôi không giám chắc đấy là sự chào mừng giành cho chúng tôi, hay cho những cầu thủ đang xếp hàng ở giữa sân kia nữa. Chỉ biết là khi bàn chân của một cầu thủ đá vào tôi sau tiếng còi khai cuộc, tức thì những tiếng hò hét ấy lại càng vang dội. Vâng! Tôi vô tình đã được con người chọn đưa vào sân. Không biết có nên nghĩ đó là một niềm vinh dự không? Khi mà anh em tôi nhìn tôi với con mắt ghen tị. Tại sao họ lại thích ra sân kia chứ? Hãy xem cái cách đối xử của những con người đang chạy trên sân kia. Họ đá tôi, ném tôi hết chỗ này đến chỗ khác, nhất là khi tôi bị hai cái găng tay của gã thủ môn ghì chặt vào lồng ngực nhầy nhụa mồ hôi của hắn. Đó chẳng khác nào sự xâu xé cả.

Tối sầm mặt mũi, tôi chỉ còn biết nhắm nghiền mắt lại, mặc cho con người điều chỉnh hướng lăn. Đột nhiên tôi cảm thấy choáng váng: tôi đã bị một cầu thủ sút bay vào lưới. Ngay lập tức, tai tôi ù đi vì những tiếng hò reo vang dội. Hãy xem những con người đang nhảy múa trên khán đài. Họ vui sướng như chưa bao giờ được thế. Còn cái gã thủ môn vồ hụt tôi thì tím tái mặt mày. Xem kìa, gã gào lên rồi tung ra liên tiếp những cú đá, cú đấm khiến tôi ngã dúi dụi vào lưới. Thế đấy, con người thật là tệ bạc. Họ vui khi đội nhà ghi bàn, còn khi thất vọng thì dồn mọi bực tức vào tôi, cứ như tôi là kẻ reo rắc thất bại cho họ vậy.

Tôi chỉ còn biết lặng lẽ lăn lóc dưới chân họ mà thầm oán trách ông trời sao quá bất công, để tôi phải chịu đày đọa thế này. Bỗng tôi bị sút văng lên phía khán đài, rồi tôi thấy con người tung ra sân một quả bóng mới. Thở phào nhẹ nhõm, tôi lặng im trong tay một cậu bé đến cổ vũ. Cuối cùng thì ông trời cũng thương tôi. Nhưng quả bóng thay thế tôi thật tội nghiệp. Tôi miên man để cho sự mệt mỏi ru mình chìm vào giấc ngủ…

Lúc tỉnh dậy thì tôi không thấy tiếng reo hò nữa, trận đấu đã kết thúc từ bao giờ. Khán đài biến thành một bãi rác. Có lẽ cậu bé đã bỏ quên tôi. Thật khó chịu khi tôi bị mấy người quét dọn nhét chung với lũ rác tanh tưởi rồi chở đi. Đến một nơi rộng rãi, nhưng chứa toàn đồ... phế thải, mùi hôi thối bốc lên sặc sụa. Tôi bị một bàn tay thô ráp vứt xuống cái rãnh đen ngòm một cách không thương tiếc. Chao ôi, cái cảm giác ê chề đã ập đến. Tôi đành chấp nhận kết cục bi thảm ấy.

Không! Tôi không thể chịu an phận! Tôi cố cựa quậy đến sát chân bãi rác nhưng không thể gượng được nữa, tôi nằm im, lịm đi trong sự tuyệt vọng…

Có tiếng bước chân, tôi choàng tỉnh. Đằng xa, một cậu bé đen đúa, rách rưới đang kiếm tìm gì đó trong bãi rác. Mừng quá, tôi cố động đậy theo cơn gió với hi vọng cậu sẽ để ý đến. Và kìa, cậu bé đã trông thấy tôi. Ôi, tôi sung sướng quá - niềm sung sướng tột cùng khi được cứu sống. Cậu bé cũng sung sướng như tôi vậy. Tôi đã cảm thấy đôi bàn tay bé nhỏ khẽ run lên, xiết chặt tôi vào ngực, vào cổ rồi vào má.
Cậu đã không bỏ mặc tôi. Cậu đã không ruồng rẫy một quả bóng bẩn thỉu như tôi. Bởi vì... cậu là đứa trẻ lang thang có trái tim khao khát được vui chơi, khao khát được đá bóng.
Cậu đem tôi đến khoe với những đứa trẻ khác. Rồi cậu mang tôi ra bãi, sung sướng tâng tôi lên. Tôi cũng vui mừng nhảy lên theo nhịp chân cậu. Bất giác, tôi thấy cái cảm giác được bay đi by lại mới khoan khoái làm sao! Vậy mà tôi nỡ coi đó là sự giày xéo của con người. Phải, tôi được sinh ra từ bàn tay con người, và lẽ ra tôi phải hãnh diện vì được con người sử dụng. Một quả bóng nếu không dùng để đá thì sẽ làm được gì đây? Sao tôi chỉ thấy những bàn chân như các con ác thú mà không nhìn ra trong đó là cả một niềm đam mê lớn lao?

Bây giờ tôi phải làm gì nhỉ? Phải rồi, tôi sẽ chạy nhảy tung tăng trên bãi. Tôi sẽ gắng sức mình để niềm đam mê bóng đá và những nụ cười trong sáng kia còn đọng mãi trong những cậu bé nghèo nơi bãi rác. Bởi vì, tôi là một quả bóng!



3.  NHÀ BÁ MƠ

Sáng nay trời đã hết mưa. Những áng mây đen sẫm đêm qua giờ chuyển sang màu xám trắng,nhẹ bẫng trong gió. Lát sau, một khoảng trời xanh biếc lộ ra, rồi ánh nắng ùa xuống, nhanh nhẹn như đã trực từ lâu lắm. Ánh nắng rọi qua các lỗ hổng của đám mây tạo thành từng chùm vàng tươi, óng ánh trên các vòm lá ướt mưa.
Trên con đường đất hun hút, dẻo quánh như bột, dẫn xuống căn nhà đất ven sông, thằng Nam xắn quần chì chạch bước đi. Không gian của buổi sớm sau mưa và hơi ẩm buốt mơn trớn dưới chân khiến người nó run run vì lạnh. Hàng bạch đàn chạy dọc hai bên con đường đất đã hết, Nam bước vào sân, khoan khoái sà trong vạt nắng ấm áp và hít hơi khói lam bay là là. Khung cảnh thật thân quen! Nó dòm vào bếp.
– Cháu chào bá Mơ!
Người đàn bà nãy giờ lặng yên bên ánh lửa bập bùng, nghe tiếng chào đột ngột có vẻ giật mình.
– A, Nam à, vào ăn khoai! Bá vừa nướng xong đấy, biết hôm nay nghỉ thế nào cháu bá chả sang.
– Khoai gì thế ạ?
– Khoai lang tím.
– Ố la la, cháu thích ăn khoai ấy nhất.
Thằng Nam tót vào cạnh bá Mơ, chộp lấy hai củ khoai hoan hỉ bóc. Nó phồng mồm nhai ngoàm ngoạm.
– Ngọt lắm bá ạ!
Loáng cái, hai củ khoai đã nằm gọn trong bụng, nó quẹt tay ngang miệng.
– Khoai đâu mà ngọt thế bá?
– Hôm qua kiếm rau lợn thấy có hai mống ngoài vườn, bá đào lên thì vớ được hai củ.
– Ơ, thế bá chưa ăn ạ?
Bá Mơ mỉm cười khẽ lắc đầu.
_ Sao bá không bảo cháu? – Thằng Nam sốt sắng trách.
– Không,bá để dành cho cháu bá.
Nói rồi, bá Mơ đưa tay lau vệt nhọ trên má thằng Nam. Đôi má bầu bầu, xinh xinh quá! Bá vẫn thường lau rửa đôi má ấy, mỗi khi thấy Nam chạy sang từ sớm mà không kịp rửa mặt. Nhà nó ở phía trên khu xóm, nhưng mảnh vườn sau nhà nó chỉ cách nhà bá một rặng râm bụt. Thông thường, Nam vẫn chui qua cái lỗ nhỏ của bụi râm bụt ấy để sang nhà bá. Nhưng có lẽ hôm nay mưa xong ướt át nó mới đành đi vòng vèo qua con ngõ. Người ta vẫn nói: gần nhà xa ngõ mà.
– Nam ăn cơm sáng chưa?
– Cháu chưa, cháu lại trốn mẹ đi đấy.
– Chết, không sợ mẹ lo lắng à?
– Nhưng cháu trốn đi từ sớm thì chỉ có sang nhà bá Mơ thôi.
– Ừ, vậy cũng phải xin phép chứ!
– Chẳng cần xin phép mẹ cháu cũng biết. Mấy lần trước về nhà, mẹ cháu chỉ cười: “lại sang bá Mơ à”, rồi thôi.
Nam lại ăn cơm sáng nhà bá Mơ. Bá thường cho nó ăn cơm với ruốc thịt nạc. Nó thích lắm. Mà hình như lọ ruốc trên bàn bá chỉ dành cho mình nó thôi – còn bá thì ăn cơm rang. Lần trước nó để ý thấy lọ ruốc còn một nửa, đến hôm nay cũng còn nguyên chừng ấy.
Vác cái bụng no kềnh ra sân, Nam không còn thấy lạnh nữa. Bây giờ trời đã quang mây, nắng ấm soi rọi làm quang cảnh bừng sáng. Cây cối thêm xanh tươi, vươn những chiếc lá bóng nhẫy hươ hươ trong gió. Mấy con chim sâu chích chích trong rặng râm bụt xanh đỏ. Dưới gốc râm bụt, nước mưa đêm qua vẫn chưa rút hết, ngập đỏ ngàu cả khu vườn khiến mấy con gà lõm bõm lội mà chẳng kiếm được miếng gì. Bỗng Nam quay vào hỏi bá Mơ:
– Lũ gà con đâu rồi bá?
– À, bá bán rồi.
– Sao bá lại bán?
– Bá cần tiền thì bán.
Đến đây Nam mới chợt vỡ lẽ, nó hỏi dồn:
– Có phải mẹ cháu vay tiền bá?
_ Ừ.
– Sao bá phải bán gà, mẹ cháu vay chỗ khác cũng được mà, tận ngày kia mới hết hạn nộp học phí.
– Không, bá muốn bán chúng rồi, có một mình nuôi làm gì lắm, chỉ tổ mất thôi.
Thằng Nam im lặng tiến đến bụi râm bụt với ý định ắt sâu để câu cá minh chinh.
– Nam trông nhà cho bá nhé!
– Bá Mơ đi đâu?
– Bá đi đong cám cho lợn,đến ngày nó đẻ rồi.
Cái bóng lầm lũi của bá Mơ khuất đi nơi đầu ngõ. Nam bỗng thấy một chút gì đó rưng rưng trong lòng.
Bá Mơ sống một mình,thường ngày chẳng có ai lui tới nhà bá cả.Trước kia, bá chỉ có con lợn, đàn gà bầu bạn.Từ ngày gia đình Nam chuyển về khu xóm, bá mừng lắm. Bởi hai mẹ con Nam thường sang nhà bá chơi. Mẹ thì nói với bá những câu chuyện xoay quanh việc đồng áng. Còn nó lại say mê với thế giới của riêng mình. Này nhé, nhà bá Mơ có rất nhiều thứ cây ăn quả. Mùa xuân vặt dâu. Đầu hè bẻ xoài. Cuối hè nòng nhãn. Thu sang hái ổi, doi, bòng, mít…Chao ôi, bao nhiêu là thứ quả ngon. Những trưa hè oi ả, nó câu cá chán thì bá dắt nó ra cầu sông tắm mát. Đêm lấp lánh trăng sao, có đèn đom đóm lập lòe trong tán cây đen, có tiếng dế du dương, bá kê chiếc chõng tre ra giữa sân rồi kể nó nghe bao chuyện cổ tích. Bá chỉ cho nó gốc đa trên cung trăng, còn cái vệt sáng dài kia là sông Ngân Hà, có ông Thần Nông cai quản. Thật giống những gì mẹ nó bảo. Thỉnh thoảng một chiếc máy bay nhấp nháy ngang qua, bá lại nói nó nghe về thế giới bên ngoài, cái thế giới rộn rã, tươi vui ở phương trời xa lạ nào đó…
Xế trưa, nắng bắt đầu gay gắt. Mặt đất bốc hơi hừng hực. Nam dựa chiếc cần câu cá minh chinh bên cầu sông, chạy vào hiên ngồi. Bá Mơ vẫn chưa về. Đúng lúc này, trong chuồng lợn chợt có tiếng phì phì. Con lợn sề bắt đầu đẻ rồi ư?. Luống cuống, Nam quờ vội vài cọng rơm ném vào cho nó rồi đóng kín cửa chuồng lại. Xong xuôi, nó yên chí lo lên cây xoài phía cầu sông ngóng bá Mơ.
Từ trên ngọn cây xoài nó có thể trông rõ quang cảnh phía xa. Kia rồi,bóng bá Mơ đang nhoài người ôm bao cám trên chiếc xe mi ni cũ sắp quặt vào con ngõ. Nam vội vàng leo xuống. Bỗng:
_ Ùm!
Nó trượt chân, rơi ùm xuống sông. Phải chỗ nước sâu, lại vừa mưa xong nên sông lớn bềnh. Bá Mơ kịp vào đến sân. Nghe tiếng quẫy nước, bá thả chiếc xe đổ kềnh, lao xuống bến.
Thằng Nam được bá xốc ngang vai đưa vào bờ. Nó bị sặc nước ho sặc sụa. Mãi tới lúc được bá Mơ đặt xuống giường, nó mới khóc lên thành tiếng. Bá Mơ run rẩy lau
khắp người nó, miệng dỗ dành:
– Ừ ừ, không sao nữa rồi, con nín đi.
Nó chỉ còn biết khóc, giọng nó khàn đặc nước dãi. Bá ôm chặt nó vào lòng.
– Sao con bị ngã xuống sông?
Lúc này thằng Nam mới thôi khóc.
– Cháu bị ngã từ trên cây xoài…
– Trời ơi sao con dại thế…
Bá Mơ chợt ngước lên phía bàn thờ, hai hàng nước mắt bất chợt trào ra, giàn giụa trên hai má bá; ánh mắt bá trở nên mông lung như đang hồi tưởng về một quá khứ xa xăm nào đó…
– Ngày xưa anh Tiên con cũng thế đấy, chỉ tiếc là…
Bá nấc lên thành tiếng. Thằng Nam lặng im. Đã nhiều lần nó hỏi bá về gia đình nhưng bá chỉ kể chuyện bác trai đi chiến trường rồi bị hi sinh, tuyệt nhiên không hề nhắc tới chuyện anh Tiên. Thì ra bấy lâu nay, bá thường kìm nén nỗi đau ấy ở trong lòng.
Chiều hôm đó sang nhà bá Mơ, thằng Nam không thấy cái bóng sum xuê của cây xoài tỏa rợp bên cầu sông nữa. Bá đã nhờ người đốn đi để chuyện buồn sẽ không bao giờ lặp lại. Giờ đây- dưới cái nắng hầm hập sau mưa, mặt sông như một mặt gương khổng lồ chứa trong mình những mảng mây trắng bồng bềnh và ông mặt trời chói lọi trên nền trời xanh thẳm…



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét