CỬA SỔ HAI NHÀ


Tháng tám bẽn lẽn về, sẽ sàng buông một làn sương mỏng làm dịu đi ánh mặt trời gay gắt. Tháng tám bay lên cao như một thiên thần, đưa bàn tay mềm mại quét lên áo trời màu xanh ngọc bích. Tháng tám sà xuống mặt ao, giục làn nuớc trong veo khẽ lăn tăn khi ngọn gío bấc se se thổi về. Tháng tám nâng những buớc chân thơ ngây tung tăng tới trường, và ban lên môi những sĩ tử về đích đúng hẹn bao nụ cười rạng rỡ như tỏa nắng thu. Tháng tám là nỗi buồn của lá: từng đám vàng rơi trên lối nhỏ mỗi lúc chiều về. Tháng tám là niềm vui của hoa: bụi Tigôn bên cửa sổ đằng ấy bỗng rợp trời một sắc hồng dìu dịu. Và tháng tám vô tình khơi dậy trong tôi một nỗi buồn xa xăm, mênh mang lắm!



Chẳng biết tự bao giờ, bụi Tigôn bên cửa sổ đằng ấy đã vươn sang cửa sổ đằng này, khẽ rung rinh mỗi lúc gió về như rùng mình rũ đi những bụi bẩn trong suốt chặng đuờng vừa qua. Chặng đường đó được bắt đầu từ lúc đằng ấy- sau một thóang xa xăm trong ánh mắt, đã cười mà nói rằng: “không biết tới bao giờ, bụi Tigôn mới leo sang bên ấy nhỉ?”. Lúc đó tôi cũng cười “bao giờ bụi Tigôn tới đích sẽ tỏa bóng mát nối liền hai ô cửa sổ, chắc ngày ấy không xa đâu…”



                                                                          *

Tôi nhớ tới lúc tôi và đằng ấy chơi đồ hàng. Cửa sổ đằng ấy là một cửa hàng lộng lẫy. Còn cửa sổ nơi tôi chẳng có gì ngoài một chồng giấy cắt vuông để làm tiền. Có nghĩa là đằng ấy luôn là người bán hàng, còn tôi luôn là kẻ mua. Như thế chẳng phải tôi lợi lắm sao: chỉ việc chìa một đầu gậy sang đưa mẩu giấy là được thưởng thức món ăn rồi. Đằng ấy mất công làm mà chỉ được ngồi bán. Vậy mà đằng ấy cứ cười và có vẻ thích thú lắm khi thấy tôi ăn rồi gật gù khen ngon đến gẫy cả cổ. Đằng ấy cũng khéo tay thật đấy, sao đằng ấy lại có thể nghĩ ra được đủ món ăn như thế nhỉ? Nào là lá dâu da bọc muối và sung, ăn vào có vị chua của lá, vị chan chát ngầy ngậy của sung và vị mặn thơm của muối bột canh. Nào là mít luộc xái nhỏ làm pho mát, món nộm khế ăn không biết chán. Lại thêm các thức quả như ổi, roi, mận , xoài…Toàn là những thứ đằng ấy phải tự chuẩn bị cả. Và tôi chỉ việc ngồi rung đùi cắt giấy, mua, ăn rồi khen ngon thôi.

                                                                                 *

Lên cấp hai, đằng ấy không làm người bán hàng nữa. Có một thời gian tôi đã phát hoảng lên khi mấy ngày liền cửa sổ đằng ấy đóng suốt; tôi đã sợ phải nhìn hai cánh cửa nâu im lìm, lạnh lùng như thế. Lúc đó tôi mới thấm thía cái cảm giác phải đợi chờ trong sự cô đơn và ngán ngẩm. Rồi một sớm mai, nghe tiếng cửa sổ đập thình thịch, tôi chạy đến mở toang ra thì chóang ngợp trước ô cửa sổ đằng ấy. Trời ơi! Đằng ấy giỏi quá, trong có mấy ngày mà đã gấp được hàng trăm con hạc lấp lánh treo đầy cửa sổ rồi. Đằng ấy thực sự làm tôi ngạc nhiên đấy! Mà nghe nói nếu gấp được 1000 con hạc giấy sẽ có một điều ước...

Sinh nhật đằng ấy cũng là ngày 1000 con hạc giấy tung bay trước cửa sổ. Nhưng khi tôi chìa món quà sinh nhật của mình ra, đằng ấy lại ngây mặt ra cứ như bị nhà ảo thuật thôi miên ấy. Tự dưng lại thôi không ước gì nữa chứ. Thật lãng phí công gấp hạc biết bao!

“Bụi hoa Tigôn đã chìa tay sang được một nửa chặng đường”

Tôi và đằng ấy vẫn giữ thói quen trao đổi bài học. Đằng ấy thường hỏi tôi toán, còn tôi thường hỏi đằng ấy văn. Hình như hai môn học ấy có cái gì sung khắc thì phải, hệ quả là bên cửa sổ đằng ấy khi tôi nhìn sang cứ ngỡ mình đang ở trên thiên đường vậy. Đúng là bàn tay trang trí của đằng ấy có khác! Còn cửa sổ đằng này vẫn bảo tồn được trạng thái nguyên sơ của nó. Ngày xưa thế nào,bây giờ vẫn vậy: khô khốc lạnh lẽo như chốn không người. Duy có điểm dịu dàng hiếm hoi là cái chuông gió đằng ấy tặng tôi. Trời đất! Chuông gió mà tôi lại đem treo vào cái chỗ chẳng có lấy một ngọn gió nào thổi qua nên nó chỉ có tính chất tượng trưng, khi nào muống nghe tiếng linh kinh vui tai lại phải lấy tay búng cho nó mấy cái, mà âm thanh của chuông gió bị búng cũng méo mó đi nhiều, nghe tặc tặc như gà mắc tóc. Thật là..nó đã bị ban nhầm vào một kẻ lù khù như tôi rồi!...

Những tưởng đằng ấy hay mơ mộng, không ngờ cũng lém lỉnh ra trò. Tôi nhớ có lần đằng ấy đã kể tôi nghe chuyện về thầy dạy Tiếng Anh của đằng ấy. “Thầy rất thích xem tướng số. Khi ở lớp thầy thường ngồi thu lu trên bàn giáo viên lẩm nhẩm gì đó, thỉnh thoảng lại chăm chú soi từng dáng đi của học sinh. Lúc về nhà chắc hẳn thầy sẽ đứng trước gương hàng giờ để tự biến mình thành đối tượng xem tướng. Mà có ai lỡ nghe thầy thốt lên: “ghét cái mặt quá!” thì đừng tưởng thầy mắng mình nhé, thầy đang mắng chính thầy đấy. Thầy luôn phàn nàn về đôi hàng lông mi dài và cong như lông mi con gái lại hiện diện trên khuôn mặt đậm nam tính của thầy. Vậy thì khéo mấy chàng diễn viên Hàn Quốc điển trai lại bị thầy gọi là…ái cũng nên. Tụi con gái tin sái cổ mấy trò bói tóan của thầy. Chúng nó kéo vào nhà thầy chìa tay nhờ thầy xem bói. Lúc ra về,mặt đứa nào đứa ấy giãn ra như qủa bóng bay, hỏi ra mới biết đứa nào thầy cũng phán là: “tốt, có tương lai nhưng phải rèn luyện kĩ năng tiếng Anh thật thành thục mới có cơ hội tiến sâu vào kinh tế hội nhập”. Óa, thì ra đó là một mánh khóe độc địa của thầy. Hiểu ra đứa nào cũng tiu nghỉu như…mèo cụt đuôi…

                                                                               *

Suốt từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ tôi đạt chân sang ngưỡng cửa nhà đằng ấy. Hình như giữa hai nhà có một bức tường vô hình ngăn cách. Đằng ấy sống trong nhung gấm lụa là, vậy mà vẫn chơi thân với tôi-đứa con của một gia đình thường thường bậc trung. Tôi mến đằng ấy một phần cũng vì lí do đó. Đã có lúc tôi cho rằng: trong cảnh giàu sang, với đằng ấy chắc chỉ tràn ngập tiếng cười, đâu đâu cũng là một màu hồng hạnh phúc. Đâu ngờ tôi lại được chứng kiến hai lần đằng ấy khóc!

Lần thứ nhất có lẽ đằng ấy khóc vì tôi. Mà tôi cũng không chắc nữa. Đến bây giờ tôi vẫn luôn tự hỏi tại sao lúc đó mắt đằng ấy lại đỏ hoe khi nghe tôi kể về người bạn mới quen của mình. Rằng bạn ấy xinh, dịu dàng và tốt bụng. Đằng ấy nghe xong đột ngột bỏ xuống nhà…

Lần thứ hai, đằng ấy khóc vì gia đình, lần này tôi biết đích xác. Bề ngoài giàu sang không che giấu nổi vết rạn nứt trong gia đình đằng ấy: bố mải làm ăn không chăm lo gì tới gia đình, mẹ đột ngột bỏ ra nước ngoài với người khác. Tôi biết đó là nỗi đau quá lớn! Một thời gian sau cả người bố cũng đâm ra chán nản, bỏ bê công việc, gia đình dần tới chỗ khánh kiệt. Rồi một ngày, tôi bàng hòang hay tin đằng ấy sẽ chuyển đến một nơi ở mới…

Hôm chia tay, đằng ấy đã sang nhà tôi mà chẳng nói điều gì, chỉ ánh mắt đẫm lệ và những tiếng khóc bị kìm nén, thút thít nơi cổ họng. Tôi cũng chẳng biết nói gì để an ủi đằng ấy, chỉ lặng lẽ trao cho đằng ấy chiếc bút máy và tấm hình kỉ niệm… Mong rằng ở một nơi xa đằng ấy vẫn nhớ tới tôi; nhớ về một tuổi thơ êm đềm đã vĩnh viễn qua đi…

Một buổi chiều tháng Tám chia li…



Cuộc đời vẫn thường ẩn chứa bao đổi thay mà không ai có thể lường trước được. Đằng ấy đi xa để lại sự trống vắng trong lòng cả kẻ đi và người ở. Nhưng tôi tin rằng giây phút này, đằng ấy vẫn nhớ tới tôi, vãn ôm trọn trong tim một tình bạn trong trẻo, hồn nhiên thuở nào.

                                                                              *

Tháng Tám.

Lại một tháng Tám đã về.

Tháng Tám của ba năm sau.

Tháng Tám vẫn vậy, vẫn trẻ trung như vốn có. Chỉ có riêng cảnh đời là đổi thay! Đằng ấy ơi! Bụi hoa Tigôn đã tới đích như chúng ta mong đợi. Tiếc rằng đằng ấy chẳng thể nào nhìn ngắm niềm hân hoan của những đóa hoa đã hòan thành ước muốn kia. Và cũng chẳng thể nào tôi còn được trông thấy ánh mắt đằng ấy trong ô cửa sổ đầy hạc giấy tung bay nữa…

Ô cửa sổ hai nhà, bây giờ; một bên khép chặt, im lìm; còn một bên mở toang…!!!



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét