NHỮNG VÒNG TRÒN


Đó là những tháng ngày đen tối nhất của tôi ở tuổi hai mươi. Một bước chạy đà hụt chân, hay thậm chí là một kết thúc khi vừa mới bắt đầu. Tuổi trẻ, ai đó từng ví như mốc điểm nhấn, nhấn cho cả đời người. Và vì vậy, lẽ ra thì tôi luôn nhận về mình sự thất bại. Và lẽ ra, không có truyện ngắn này.



Nhưng kì thực, vùng quá khứ mà thâm tâm tôi luôn nỗ lực để bôi đen ấy, vẫn cứ đau đáu nhức nhối hơn lên theo thời gian. Càng quên càng nhớ. Càng xoa càng bỏng. Tuy vậy, nó đã thành quá khứ rồi. Phải, quá khứ…

Quá khứ chỉ để hổi tưởng, tưởng niệm. Vĩ nhân nào không có một quá khứ, tội đồ nào chẳng có một tương lai ??? Tương lai ấy, của tôi, là bây giờ- hiện tại. Tôi nhìn về quá vãng với ánh nhìn của một con chiên sau khi rửa tội. Ánh nhìn cũng chất chứa bao dung- với chính mình. Phải, chính mình…

Nguyên tắc của cuộc đời, ấy là: lâu dần thành chai sạn. Phụ thân tôi, sinh thời, ông không đành lòng cho mình lấy một buổi sáng ngơi tay ngơi chân, trong khi lẽ ra ông đã có thể đường hoàng hưởng thụ theo cách ấy nhiều hơn nữa, nói rộng lên thì là suốt phần cuối của cuộc đời. Nhưng mà, bạn biết đấy, người nông dân xứ sở mình, thời gian sinh tồn trùng thời gian lao động. Thửa ruộng, con trâu, đàn gà, cây lúa, hoa màu, vườn tược, lao động công ích… Cha tôi quả thực đã chẳng đành lòng cho mình một buổi sang ngơi tay, đơn giản, vì ông không quen thế. Thứ ông quen, ấy là sự bận rộn, và vì vậy, bận rộn, nó hóa niềm vui trong ông rồi…

Tôi thì tôi không ưa bận rộn, nó khiến thân thể mỏi mệt, trong khi tôi thì đã lại xếp mình vào hàng ngũ những kẻ mồm mép đỡ chân tay . Trí óc mình tôi luôn đang tâm vắt kiệt, quy đổi nó thành tiền, và tiền lại nuôi sống trí óc. Vòng tròn toàn vẹn ấy, là thứ vòng tròn xuất hiện ngay lúc này. Còn, như đã nói, trở về cái tuổi hai mươi của tôi, chưa thấy bóng dáng nó.

Tuổi hai mươi của tôi, không như Mỹ Tâm thường hát. Hai mươi em cho đời một ước mơ. Mơ gì? Toàn là hiện thực. Hiện thực đau thương nhuộm tâm hồn hai mươi còn nguyên khiết trong ngần một màu đen ảm đạm. Không đơn giản là một cuộc chia tay đường đột, sự ly thân của cha mẹ còn đồng nghĩa với một hình tượng gần như thành thần tượng trong tôi bấy lâu nay- đã hoàn toàn sụp đổ. Mẹ đã không còn là bà Tiên như truyện cổ tích. Mẹ hóa người trần, thành người đàn bà dối trá, trong mắt cha tôi, những người hàng xóm, và dường như, cả tôi nữa. Còn gì giải thích thỏa đáng hơn- khi chỉ bằng hai năm ngắn ngủi ra nước ngoài làm việc, sinh sống, sự trở về của người mang đến cảnh chia ly ???

Mẹ đang tâm rời xa người con trai duy nhất. Mẹ bù đắp lỗ hổng nơi con tim cha tôi bằng cục tiền đô xanh lét. Mẹ đi. Vĩnh viễn…

Thật ra, mẹ vẫn là bà tiên. Một bà tiên thật khác. Rằng người phụ nữ đã từ bỏ chồng con để theo tiếng gọi mới của đồng tiền ấy, thực chất không phải là mẹ của tôi- người mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày ban cho tôi sự sống. Nghĩa là, một bí mật âm thầm đã nung nấu đằng đẵng suốt hai chục năm trời!
Tôi bàng hoàng dò tìm quá khứ- những dấu hiệu gợi nhắc và trùng khớp với cái logic của sự thật. Ánh nhìn nghi hoặc của bà con chòm xóm, những xì xào nhỏ to đằng sau lưng, cả vô vàn tràng cười mà tôi vẫn ngây thơ nghĩ rằng nó đơn giản chỉ là sự trêu đùa, diễu cợt…

Tôi là con nuôi. Kì thực tôi chỉ là con nuôi ! Vậy đấy!

Xóm làng nhìn tôi thương cảm. Cha tôi nhìn tôi bằng con mắt hối hận, ăn năn. Thế còn, cha mẹ tôi đâu ???

Đó lại cũng là một bí mật tày trời khác…

***
Bệnh viện. một chiều mưa. Có những lúc thiên nhiên và lòng người giao hòa, giọt nước mắt của tạo hóa cứ rớt xuống rì rầm, rì rầm. Cha  nằm thoi thóp thở. Chút gắng gượng cuối cùng chỉ để cố giật chiếc chụp ô xi ra khỏi miệng, vì người biết quỹ thời gian đời mình đã tới hạn.
Và nếu bạn có mặt cùng tôi vào buổi chiều chia ly ấy, bạn cũng sẽ được nghe câu chuyện mà người cha tôi gìn giữ trong im lặng trong suốt phần cuối của cuộc đời...



Đứa trẻ có đôi mắt sáng và khuân mặt Thiên Thần. Thật kỳ lạ! Hay là tất thảy những điều phi thường đều phát sinh, nảy nòi từ những dị thường như thế ?!...
Nó nhìn tôi. Ánh nhìn như có tia sáng vụt lóe lên gắn kết hai tâm can. Đích thị là nhân duyên tiền định rồi. Thượng Đế luôn chứng tỏ Ngài hoàn hảo trong mọi sự sắp đặt.
- Chờ mười ngày nữa.
Vị y tá nhắc nhở.
- Mười ngày mới đủ để đứa trẻ có thể rời vòng tay mẹ nó.
Tôi ngây mặt nhìn.
Mười ngày nữa đứa trẻ ấy sẽ là con tôi…

Tôi là ai ? Tôi không là ai cả! - không là ai của mẹ con đứa trẻ kia- một người lạ. Lùi ngược thời gian, tôi là một thằng bé sinh ra ở vùng rừng thiêng nước độc. Thiêng, độc, nhưng sơn thủy hữu tình. Cha mất trước ngày mẹ trở dạ một tuần, trong trận chiến không cân sức- như bao trận chiến từng xảy ra, gộp vào với ánh hào quang gọi là cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Lên mười tuổi, đến lượt mẹ qua đời vì cuốc phải quả bom câm trên rẫy, một tiếng nổ to, chát chúa. Vậy là, tôi thành kẻ mồ côi. Theo dòng thời gian, tôi thành thổ phỉ.

Lẽ ra thì, tôi đã có thể là một thân phận gì đó đáng thương, hơn là đáng ghét. Tôi có thể làm ăn mày, ngửa tay xin từ đồng loại miếng sắn củ khoai hòng đem thân vượt lên ngày dài tháng tận. Nhưng , nhiều khi cuộc đời không cho ta sự lựa chọn. Ở vào cái thời mọi thứ đều xộc xệch, tạp nham, xô lệch, ngổn ngang, miếng ăn không phải là thứ sẵn có. Suốt nhiều ngày, tôi- cùng với một vài cảnh đời cơ nhỡ bơ khác, co cụm lại với nhau, dựng lán ngoài rừng, bắt chim muông chuột bọ làm thức sống.
Có sự hiểu lầm giữa bầy tôi và những người đồng loại. Họ đánh đồng chúng tôi cùng đám ô hợp chuyên quấy phá dân lành, làm đầy trò tệ nạn. Không có bất kì lời giải thích. Sự thật, chúng tôi đã bắt đầu bị cái đói hành hạ. Chỉ khi bụng no, chút hơi thừa và nơ ron thần kinh được nuôi dưỡng đầy đủ, mới có khả năng phát ra thành tiếng nói. Thiếu những thứ ấy, chúng tôi im lặng. Vậy là, hiểu lầm cứ tiếp diễn hiểu lầm. Cho đến một ngày, mọi hiểu lầm hóa thành...hiểu đúng !

Chúng tôi thành thổ phỉ. Bữa tiệc lợn rừng với gà nướng đánh dấu sự sung túc đủ đầy- thời ấy, đánh dấu cả cột mốc ngày đầu tiên chúng tôi rũ bỏ hai chữ chính nghĩa, lương thiện. Lợn và gà lấy cắp của bà con dân bản. Sau này, khi lực lượng lớn mạnh hơn, chúng tôi bắt đầu chuyển sang buôn lậu, cướp nhặt dọc đường- những chuyến hàng chuyển qua từ bên kia Biên Giới. Cả một vùng hùng cứ mà chỉ thoạt nhắc đến chúng tôi, thường dân ai nấy đều xanh mặt…

1979, chiến tranh Biên Giới nổ ra, chóng vánh, vỏn vẹn. Không ai biết, nhóm thổ phỉ nổi tiếng hoành hành đã trộn hòa vào đoàn quân cách mạng. Chúng tôi đã có những tháng ngày làm người lương thiện. Và chính nghĩa thì- bao giờ cũng đáng quý biết bao, cái cảm giác trong thân thể mình trào dâng một dòng máu nóng, được đồng loại thương yêu, nể phục, thật chẳng có thứ tiền tệ nào sánh bằng. Và vì vậy, sau biến cố đó, tôi từ bỏ băng nhóm bầy đàn, về luôn dưới xuôi cùng bộ đội.

Bước chân vốn quen gồ ghề, thăm thẳm, đột ngột xuống chốn đồng bằng, những phẳng lì dễ dãi không ít lần khiến tôi chênh chao hẫng hụt. Đứa con của núi, thôi bao xúc cảm vực cao đèo sâu rợp ngợp cây rừng, trở về hiền hòa bên dòng sông cánh lúa. Ở đời, tính nết con người sinh ra cũng chịu phần lớn tác động của ngoại cảnh. Muốn gặp người hiền hòa, hãy tới chốn hiền hòa, thế thôi…

Tôi bắt đầu làm quen với việc đồng áng, đem sức vóc của một giang hồ lão luyện vào với cái lúa, củ khoai, thấy mọi việc buồm xuôi, trôi chảy. Tuy vậy, tôi vẫn không ngừng theo dõi những hoạt động của băng nhóm trên rừng. Những người anh em từng một thời vào sinh ra tử, nương tựa, bấu víu nhau chống chọi lại bao bất hạnh cuộc đời, họ cũng mồ côi, cơ nhỡ giống tôi. Một ngày nào đó, giá có thể họ nghe tôi, rũ bỏ súng gươm, về quần tụ nơi này, dựng nhà lập trại, vui với điền viên chim muông cây cỏ, cuộc đời lại thơ như ngọn suối đầu nguồn kia đêm loang trăng róc rách. Tiếc một điều rằng, nỗi lo vô hình bấy lâu nay của tôi, của anh em, của bất cứ tội đồ nào- là công lý thực thi, mọi việc tỏ bày ánh sáng, đã xảy ra. Họ bị bắt khi đang cùng nhau vận hàng qua biên giới, thứ hàng chết người: ma túy.

Tôi bình an vô sự. Không có bất cứ một cuộc truy đuổi hay triệu tập nào. Sự thật, thâm tâm tôi, từng có lúc tôi mong và đón chờ một ngày như thế, khi những dày vò, hối lỗi dâng choán tâm can, nhất là về độ đêm, mà bầu trời thì: trăng trong veo tỏa in nơi đáy giếng.
Anh em không khai ra tôi. Trong đoàn bị bắt có một phụ nữ.

Không khó để dự đoán mức phạt đối với cái chết trắng. Trữ lượng khổng lồ có thể reo rắc đau thương cho bao nhiêu gia đình, bao nhiêu cảnh đời. Một ngày- trong chuỗi ngày trại giam tử tù chờ được đền tội, chuyện hi hữu đã xảy ra.

Người phụ nữ ấy mang thai. Cái thai chưa tròn hai tháng tuổi.

Tất nhiên, tử tù được miễn chết. Nhưng mà, hai tháng ? Cái thai hai tháng ? Thụ thai trong tù ?!
Vậy là, thiếu phụ giảm án thành chung thân. Nhân viên trại giam sa vòng lao lý! Viên trông trại không kiềm chế được mình trước sự mời gọi giục dã từ những khúc cong, hay vì  lời đường mật hoặc đáng thương nào đó nơi bờ môi gợi cảm, đã bí mật chung đụng xác thân với nữ tử tù.
Kỳ thực, khi ấy, tôi đã hoang mang, không biết bấu víu vào thứ gì. Giống với một người đang rơi từ từ xuống miệng vực thẳm, cố gắng quờ tay mong có một đám rễ cành vững chãi của loài cây hoang trơ ra để bám lấy. Tôi cần cứu vãn niềm tin! Rằng người đàn bà kia, kỳ thực đã lợi dụng khoan hồng của luật pháp, cùng với thứ bản năng khó cưỡng của con người, để mà dâng thân cho bằng được cái thai, thoát khỏi lưỡi hái của Tử Thần, hay đó chính là minh chứng hùng hồn, một hành động thôi thúc từ thiên chức giống nòi- cái khát khao được làm mẹ, dù cho lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời ???

Tôi không giám chắc. Chỉ có một ý muốn như đinh đóng cột rằng: tôi sẽ đón đứa trẻ về nuôi dưỡng. Phải rồi, nuôi dưỡng...

Vợ tôi đồng ý. Nàng cũng là phụ nữ. Nàng thèm khát tiếng trẻ con. Có một tình cảnh cần kể thêm rằng, khi ấy, không hiểu vì lí do gì, chúng tôi cưới nhau đã ba năm, mà mong hoài mong mãi chẳng thấy bụng vợ nhích to hơn lấy nửa phân. Nhưng đứa bé cần một tuổi thơ êm đềm, tránh mọi điều bàn tán. Nghĩa là, chúng tôi không chờ cho đến lúc đứa bé tròn một tuổi mới đón về nuôi, chúng tôi đón nó ngay từ thuở lọt lòng !...

***

Thế đấy! Nhiều nguyên cớ để tôi và bạn xuất hiện cùng nhau trên cuộc đời này. Có một điều chắc chắn: mỗi chúng ta khi sinh ra, không phải ai cũng được chào đón.

Tôi đã có chuỗi ngày giam thân trong ủ ê nhột nhạt. Căn phòng trọ chưa đầy 14 mét vuông, cửa sổ trông ra bụi hoa giấy bò lan vạt tường nhà bên cạnh. Tuổi hai mươi của tôi cũng mỏng và nhăn như cánh lá. Tổng kết cuối năm của bậc đại học năm thứ hai, tôi chẳng còn đủ sức để bàng hoàng hay lo toan vì hay tin mình phải học lại…

Mẹ đẻ của tôi- người có đôi mắt như kẻ cô hồn, buồn xo , bất động. Ánh mắt ấy cứ ngước lên cái dây thép chăng ngang phía trên khung cửa sổ phòng giam, nơi có chậu phong Lan đơm hoa tím biếc. Đôi mắt phảng phất mây trời của người đã phải trả giá rất nhiều trong hai chục năm ròng, cho những gì mình phạm phải…

Nhiều ngày sau đó- sau cái ngày tôi tỏ tường mọi sự thật, tôi đã đến trại giam. Không phải để gặp gỡ, hoặc đã là cuộc gặp gỡ, khi tôi chỉ đứng , và nhìn về phía ô cửa sổ ấy từ phía xa. Hai mươi của tôi. Trung niên của bà. Chỉ đóa lan rừng là hồn nhiên trẻ mãi. Thời gian có thể co cụm lại nếp nhăn, nhưng không bao giờ co cụm được quá khứ. Chẳng thể ngờ được nơi người đàn bà tội lỗi ấy, lại ngời lên cái vẻ đẹp của một thiếu phụ tựa cửa nhìn trăng. Lạnh, buồn, tê tái khôn cùng…

Tôi không khóc. Vì bà không khóc. Lại là nguyên tắc của cuộc đời: lâu dần thành chai sạn. Hai mươi, liên tiếp những vết thương cứa xé tim tôi, đến độ tôi vẫn nghĩ sau này, dù có mất mát nào, tôi cũng không còn có thể đau thêm nữa.
Tất nhiên, giờ phút ấy, bà vẫn là bà thôi, chưa hóa thành bà Tiên con tim tôi tôn thờ. Bà vẫn mãi dáng điệu sầu buồn ấy, đến cả chiếc lá rơi cũng chẳng nỡ xạc xào.
Có một điều rằng: tôi đến, bà đã trông mong, nhưng tôi không biết. “Nhân thân của tội phạm” là thứ tôi cần làm sáng tỏ với cơ quan chức năng để có được một chỗ để đứng nhìn bà. Biết bao lần như thế. Im lặng qua đi. Bà trông thần thái tôi lạnh băng mà tim bà thêm bội lần đau xiết.

Nhằm ngày tựu trường, tôi chưa kịp đưa xe ra khỏi lán trông giữ thì bàng hoàng nghe tin bà chết. Bà đã tự cắn lưỡi mình trong phòng giam, chấm dứt chuỗi ngày dài quẩn quanh quá khứ.

Không một án tử nào được tuyên. Bà đã đi theo phán xét của lương tâm, sau khi đã thỏa lòng khi thấy đứa con mình dứt ruột đẻ ra ngày nào giờ đây trưởng thành khôn lớn. Kì thực, bà đã chỉ nguyện được sống để chờ ngày nhìn thấy con trai, từ rất lâu rồi…

Tôi lặng đi bên những dòng chữ còn sai câu chính tả, những kí tự ngọng líu ngọng lô của một người mà tuổi thơ chưa một lần được tìm đường đến với chữ. Giọt nước mắt tự bao giờ cứ thế chảy trôi, đầm đìa, rát bỏng.
Giây phút ấy, bạn biết không, kì thực, sự ăn năn đã ùa về. Bao trách móc chì chiết tôi dành về mẹ mình trước đó, đã lại tìm đường chĩa về phía chính tôi.
Yêu thương lại trở về thành yêu thương. Như bao sự dứt bước ra đi để rồi khi cuối đời người ta lại chỉ chăm chăm tìm về nguồn cội.

Và, bạn biết không, giây phút ấy, gấp tờ giấy lại, tôi bất giác nhìn về phía chậu hoa lan đang tím lan cả một vùng ánh sáng.

Nhìn lên, tôi thấy, những vòng tròn.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét