BÀN VỀ SỰ ĐỌC



Bạn bảo:

- Mẹ tớ nói sách bây giờ đọc chẳng phải nghĩ ngợi gì, đọc xong quên mất.

Mình hiểu bạn đang có ý so sánh sách "bây giờ" với sách "trước kia". Cũng có phần đúng. Hãy tạo một điểm nhìn, và xoay ngược về quá khứ. Trước kia phải hiểu từ cái thời ông cha ta đang gồng mình mà giành giữ non sông gấm vóc, dạo gần đây nhất là chống Mỹ, chống Pháp, trở về trước.

Sách thời ấy thực đã có sự chọn lựa, thậm chí khâu xuất bản còn nằm trong sự kiểm soát ngặt nghèo. Những cuốn giá trị thực sự còn đến bây giờ cho chúng ta đọc, nó đã phải chịu sự thử thách từ thời gian. Thời gian luôn là thứ nước màu nhiệm để nhận chân tất cả. Mẹ của bạn cũng thuộc lớp người của thế hệ trước, nhiều cuốn bây giờ đọc e chưa thể khẳng định là hợp với mẹ bạn, bởi kiến quan, quan niệm, lí tưởng... Sách "bây giờ" so với "trước kia" cũng có sự đổi khác, trước nhất về số lượng, thể loại, những thứ mới phát sinh. Bạn gọi tên những cuốn " đọc chả phải nghĩ ngợi gì", mình lại có cớ để khẳng định chắc bạn đang đọc theo kiểu...hỗn mang, tạp phế lù. Trên kệ sách của các nhà phát hành bây giờ, thoạt trông tổng quan thì nó gây khoái cảm cho con mắt, bởi bìa cuốn nào cũng cố làm cho nó lung linh màu mè sang chảnh hết sức có thể ( trong tầm thiết kế của họa sĩ ). Nó đánh trúng cái phong cách "ưa hình thức" của đại đa số người mình. Thứ đến là đặt tên, càng bồng bềnh lâng lâng càng tốt, nó gợi một thứ gì bay bổng và thoát tục, dễ cho người ta lạc vào xứ sở mơ ước hay gợi chút gì đó ngọt ngọt lan nhanh qua tâm hồn. Nhạc thị trường dễ nghe dễ hiểu dễ quên, sách cũng vậy. Bạn đọc xong không đọng lại gì, ấy là thất thoát lớn dành cho bạn, không chỉ vì số tiền bạn bỏ ra mua cuốn đó, cao hơn là khoảng thời gian bạn giành ra để lật giở từ đầu chí cuối, cao hơn nữa là niềm thất vọng, mất niềm tin trong bạn. Thành ra mình thấy cần phải khuyên bạn điều này: Bất cứ sự gì cũng vậy, cần phải chọn lọc. Có chọn lọc mới có tinh hoa. Thay vì là độc giả kiểu...bản năng, đưa gì đọc ấy, cái gì có chữ là đọc, thì hãy nâng tầm mình bằng cách lựa chọn những thứ để đọc. Tiếp xúc với những cuốn thị trường bây giờ thì mọi thời điểm, bất cứ đâu bạn cũng có thể dễ dàng tìm được 1 cuốn. Nhưng có những đầu sách bây giờ đôi khi phải săn lùng như truy tìm cổ vật, lắm lúc thất vọng mệt nhoài và vẻ như thành vô vọng, thì nó lại xuất hiện chình ình trước mắt ta theo cách không thể nào thương hơn thế : trong đống giấy vụn mà chị đồng nát thu lượm được.


Mình lại nói cái ý cũ mèm cho bạn nghe, về việc làm sách và sưu tầm bản thảo của nhiều NXB bây giờ, họ dễ dãi với việc in ấn cũng như tiếp thị, hoặc là hồn nhiên tới mức quảng cáo những thứ không thật, miễn doanh số bán cao, bởi có một thứ tâm lí gọi là hiệu ứng bầy đàn, đã luôn là mối liên kết giữa những cá thể ở ta (hay ở bất cứ đâu). Nhiều bạn trẻ mua thực chỉ vì thấy người ta đua nhau mua, kệ sách nhà người ta có cuốn đó, chả nhẽ mình không có, thế là cũng đi rinh về cho bằng được, chụp hình show đủ bộ, thậm chí chẳng biết bạn đó có đọc hay không. Và thực thì số tiền bỏ ra mua cuốn ấy cũng chỉ đáng bữa ăn nhẹ của bạn ấy thôi mà... Ồ ạt sách kém chất lượng nhưng bìa bắt mắt tên khêu gợi, đang làm loãng nền văn hóa đọc. Chúng ta không cản được. Có nhiều thứ không mấy giá trị lại giá trị theo một cách khác: dễ bán. Và nhà xuất bản, họ không thể khư khư ôm lấy những thứ cần trải nghiệm, cần kiến thức đủ đằm thì mới có thể tiếp thu. Họ là người làm sách, họ đồng thời là những nhà doanh nhân, nhà kinh tế. Kinh tế thì phải biến sản phẩm mình bày bán sao cho có lợi nhuận cao nhất. Dễ hiểu thay khi họ coi sự phát triển của nền văn hóa, văn học đứng hàng hai...


Bạn thành ra tự ái. Bạn bảo:

- Thế ra cậu đang phân loại mình.

Hiểu như thế cũng được, nhưng nếu bạn đem tinh thần ấy để bàn chuyện, có lẽ không nên có cuộc trò chuyện này. Người với người có người này người nọ. Nghế với nghiệp có giáo sư bác sĩ thợ nề thợ điện ăn xin kẻ bất cần đời. Độc giả cũng bao hàm nhiều tầng loại. Độc giả hạ lưu, trung lưu, độc giả cao cấp. Những thứ họ đọc khác nhau và những cách để họ đọc, cũng khác nhau. Vấn đề nằm ở vốn tri thức, cái "nền" mà họ đứng. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: trước khi họ trở thành độc giả cao cấp, họ cũng từng là độc giả hạ cấp. Chưa học bò không thể lo học chạy. Chưa mở mắt đùng đòi biết đi. Cái gì cũng cần một quá trình dấn thân không mệt mỏi và nghiêm túc. Ngày hôm nay bạn đang đọc tạp phế lù, bạn hoang mang vì nhiều thứ mình đọc gây thất vọng, chán chường, đi ngược với lợi ích mà sách hằng mang lại, vậy hãy thay đổi cách đọc của mình đi.


Bạn lại hòi giật:

- Thế làm sao cậu biết phân loại tác giả trong khi cậu chưa đọc cuốn nào của họ? Phải đọc đã rồi mới phán được chứ?!


Bạn lại tự cô lập cái sự đọc của bạn. Bạn vẫn đọc như một cái máy. Bí quyết đơn giản chỉ là: mình đọc đồng thời "nghe" người khác đọc. Thật sự vô ích nếu có khái niệm chỉ số IQ, bằng trí thông minh, bạn hoàn toàn có thể có nhiều phương cách để chưa cần phải đọc bạn cũng có thể có sự chọn lựa. Nền văn hóa văn minh Nhân Loại phát triển được là vì đâu ? Là nhờ vào chuỗi những phát kiến phát minh kế thừa phát huy không ngừng nghỉ. Thế hệ sau lĩnh hội và phát huy những gì thế hệ trước để lại. Người đi sau hỏi đường người đi trước. Khi bạn hoang mang không biết nên đọc gì, sao không "hỏi" những nhà chuyên môn, nhà học thuật, nhà nghiên cứu, những người đọc có kinh nghiệm ? Hỏi cũng là khái niệm bao hàm, không phải cần mối quen thân để trực tiếp gặp mặt, bạn hoàn toàn có thể đọc những bài phê bình mà họ viết. Họ phân tích rạch ròi đến độ điểm mặt chỉ tên những thứ nên đọc. Chẳng lẽ bạn chi hàng chục triệu, mất một vài năm để đọc qua tất cả những cuốn có mặt trên thị trường, và rồi bắt đầu phân loại ???...


Bạn bắt đầu gật gù. Ừ đúng, hình như mình đọc còn mò mẫm quá nhỉ. Mừng vì trong bạn có sự chuyển biến. Bởi nếu cứ giữ khư khư cái lòng tự trọng tự ái đặt lên đầu, e rằng mình hóa kẻ thù trong mắt bạn. Mình có thể đùa cợt bông phèng, đôi khi cợt nhả, có phần bậy bạ, nhưng trước những vấn đề đòi hỏi sự nghiêm túc, thì không còn cách nào khác, thẳng thắn trao đổi với nhau. Thật là một quá trình đánh cược đầy may rùi. Giữa cái vấn đề trao đổi và những hệ lụy ngoài mong muốn- tình bạn.


Thật may là cả bạn và mình đều hiểu điều đó. Mình không đọc rộng, hiểu nhiều, nhưng hi vọng bạn làm được điều đó, trước mình. Bởi dù đọc gì đi chẳng nữa, vẫn có cái "nền" cao hơn nhiều người trẻ mà bạn đang đứng: ấy là trước tiên hãy yêu sách, yêu đọc cái đã...

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét