PHỐ LÀNG


Tôi lại tìm về với HỒ TÂY một sáng cuối hạ. Người tình đang dần thành tri kỉ trong tôi này chào đón bước chân mệt nhoài của kẻ lữ thứ bằng những mơn man, ve vuốt dịu dàng. Gió nổi lên từ lăn tăn sóng, hơi nước mát rượi phả vào thịt da cái khoái cảm được thảnh thơi, nuông chiều, thả lỏng…

Một sáng như sáng thu. Không gian xám xám màu tro lạnh, không gợi được cái bao la trời biển để con người chợt thấy mình dường như bé xíu, nhưng lại làm mênh mang nỗi niềm phiêu du chuỗi ngày dài mệt nhoài cần tìm chốn nghỉ. Sáng cuối hạ như sáng thu, chợt thấy nhớ ngày đông băng giá cõi lòng thèm thuồng một luồng hơi ấm.



Sáng nay, tôi đến với HỒ TÂY để tự tình…

Hè Hà Nội nóng lắm. Cái nhột nhạt bức bối vì mồ hôi và bụi bẩn bon chen quả thật khó chịu hơn bất cứ thứ gì. Tôi đã có những chuỗi ngày lên xe bus băng từ sáng sang tối, từ buồn sang vui, từ ưu tư sang trống rỗng. Bất cứ đâu nơi thị thành: những tuyến phố đồng dạng với những mặt người lố nhố, tiếng còi xe, mùi xăng hăng hăng và những cột đèn ngã ba ngã tư hầm hập nóng. Ai cũng bốc mùi. Kẻ giàu sang lạc bầy giữa xe bus ken đầy sinh viên thợ nề thợ điện ăn xin lang thang kẻ bất cần đời. Ai cũng bốc mùi. Nhưng không ai giám mở miệng kêu ca. Những chiếc khẩu trang bịt kín 2/3 khuôn mặt chỉ để lộ đôi mắt vô hồn hoặc vàng thiểu não, một vài cái chun mũi lặng thầm và những giọt mồi hôi đua nhau dạo chơi từ vầng trán đến ngực cổ chân tay. Không ai giám mở miệng kêu ca. Vì lúc này họ đồng dạng. Chỉ có những ý muốn nhanh chóng được trở về những chốn riêng tư nào đó, trong các khối óc, mới là khác nhau.



Ở Hà Nội tôi mới biết yêu hơn hết những cơn mưa. Đó là khoảng thời gian bụi bặm, xô bồ, bon chen tan biến . Những con đường thoáng thơm mùi khí mới , thấy cây xanh hơn hết thảy, hoa bằng lăng tím mơ màng cánh căng đầy sức sống và vỉa hè lá rụng nhiều sắc màu ánh lên sống động nhất có thể. Lâng lâng sao cho bằng cái cảm giác đứng chờ xe bus dưới một tán bằng lăng, người con gái với mái tóc vương hoa tung bay dưới nhánh ô xòe rộng. Tôi xin trú mưa nhờ, hai ánh mắt len lén chạm nhau, khóe môi run run chuyển động hé nụ cười. Không ai nói với ai một lời , để trường nhìn hướng lên cao kia, nơi những hạt mưa vẫn đang rải đều qua ánh đèn cao áp. Có những phút giây chết lặng. Vì ngọt ngào dâng lên ứ nghẹn nơi cổ họng và trái tim. Chút xuyến xao lưu luyến thoảng qua ấy vẫn điểm xuyết đây đó trong cuộc đời, nhẹ nhàng thôi nhưng ngân vang mãi …



Mưa, là lúc trên xe bus không gian yên tĩnh đến lạ lùng. Qua những ô cửa kính rộng và trong, phố phường hiện ra với những cảm nhận không phải lần đầu, nhưng luôn mới mẻ. Tiếng mưa xao động ngoài cửa kính kia dễ khiến cho bước chân phiêu du chạnh lòng nhớ chốn quê hương. Sự đồng điệu tâm hồn khiến mọi người xóa nhòa khoảng cách. Bỗng giật mình khi chạm phải ánh mắt của bác tài xế qua chiếc gương chiếu hậu, sao thân thương đến thế!...



Nơi tôi vừa chuyến đến ở là một huyện ngoại thành. Xóm nhỏ có con đường lát gạch và chiếc cổng làng rêu phong. Làng đang lên phố. Con sông Tô Lịch mang hơi thở thị thành về với nơi đây đầu tiên, bằng thứ nước màu cà phê bốc mùi uế khí. Trong tâm thức, từ lâu tôi đã không coi những nhánh nhỏ dòng nước nội đô là sông nữa, đó chẳng khác gì các con rãnh nước thải lớn mà từ lâu cuộc sống dần hiện đại đã diệt vong nguồn thủy sản. Tài xế ô tô tải, taxi bỏ ngoài tầm mắt tấm biển “ cấm ô tô qua cầu” để đi từ phố sang làng qua nhánh sông uế khí. Chiếc cầu sắt chênh vênh, mỗi lần tôi đi bộ qua, nghe ình ình tiếng sắt tiếng tôn dát nền va vào nhau như sấm vọng từ xa. Tuy vậy, đi qua những chiều nắng mù mịt bụi, đứng giữa cây cầu thoảng mùi uế khí hắt lên từ dòng nước, nhưng gió lộng, nơi đây chẳng tìm được nơi nào dễ chịu hơn…

Những cơn mưa lớn mang đến vùng quê đang thay da đổi thịt này bầu không khí sạch sẽ thơm tho. Trở về nhà qua cây cầu sắt cảm giác như đang diễn lại 1 cảnh quay trong một bộ phim lãng mạn nào đó. Phía dưới cầu, nước được thay dòng, màu vàng đục phù sa từ thượng nguồn đổ xuống, cuốn phăng thứ nước cà phê tù động bao ngày. Gió lại lộng, khoan khoái vô cùng…

Phòng trọ chừng 14 mét vuông khép kín với một mặt tường toàn bằng kính trong suốt. Mỗi lúc mưa đêm về, từng hạt táp vào rồi vỡ tung tóe, chảy lan từng vệt, chớp nhì nhằng rạch toang màn đêm hằn in bóng la đà của cành phượng đang qua mùa hoa đỏ. Những lúc ấy, tôi thường không bật điện. Không gian lịm đi trong tiếng nhạc không lời du dương từ chiếc điện thoại. Ngồi lặng yên trông ra xa hơn những gì phía sau ô kính. Hà Nội. Những tòa nhà lổm ngổm với các ô cửa sáng đèn lốm đốm ca rô. Chợt thấy mình có cái tâm thế của một kẻ quy ẩn, kẻ về vườn. Bao nhiêu năm rồi! Tuổi trẻ với bầu nhiệt huyết vơi giảm theo thời gian. Phần đời bon chen và đồng dạng đang dần qua đi. Chẳng còn gì ngoài những phút giây ngồi lặng hồi tưởng như lúc này. Những được, mất, vui, buồn, ganh đua, buông xuôi… giờ chỉ còn đọng lại trong hình hài một thoáng nuối tiếc đôi khi vẫn gợn lên trong lòng, không còn gì khác!... Âu cũng là quy luật cả thôi. Phàm là trông về quá khứ, con người không thể chối bỏ cảm giác này. Vui cũng tiếc, buồn cũng tiếc, trống rỗng, nhạt nhẽo cũng tiếc- tiếc cho tuổi trẻ, giống như dòng đời, cứ thế chỉ biết trôi…

Hà Nội ngay đây mà như xa xăm quá. Thấy mình tự bao giờ đã trở nên thật khác. Nó cũng giống với những dải màu lòe loẹt giao thoa của nhiều thứ ánh sáng đèn điện đêm được khúc xạ qua lớp kính nhạt nhòa mưa kia. Tôi đang dần trở nên méo mó!...

Nơi tôi đang ở nửa làng nửa phố. Cái trường cao đẳng với hơn chục nghìn sinh viên đột ngột mọc lên. Đất bắt đầu tăng giá như chiếc xe quẹt ga sang số và lao đi. Dân làng: người nghèo hò nhau bán đất đổi đời, người giàu giữ đất xây khu chung cư khu trọ khu nhà nghỉ lập quán xá nhà hàng. Mỗi nhà một kiểu kiến trúc, khẳng định cá tính và đẳng cấp qua một cách thiết kế. Trăm nghìn kiểu thiết kế độc lập, khoe dáng, thành ra một khu phố mới lộn xộn và lai tạp đủ loại nhìn từ tổng thể. Vì là ngoại thành, giá thuê nhà rẻ, sinh viên nội thành lũ lượt đổ về đây sinh sống. Hai tuyến bus qua đây lúc nào cũng nhung nhúc người đứng chen chân không cần tay vịn. Làng đang lên phố, cần nhiều xi măng cốt thép cát vôi, xe tải hạng nặng gầm rú không ngơi nghỉ ngay cả khi đêm xuống, bụi bay mù mịt ám người đi đường, ám người trong nhà, ám tất tần tật những thức hàng ăn vẫn trưng ngồn ngộn trong các nhà hàng từ sáng sớm tới khuya. Đường nhỏ, hai xe tải ngược chiều, tắc cứng cả một đoạn dài. Tiếng văng tục tiếng động cơ tiếng chó sủa tiếng rì rầm họp chợ.

Bắt đầu khi mặt trời khuất bóng, các quán giải khát tràn lan dọc đường đi, karaoke đèn nháy đèn mờ đua nhau mở nhạc sàn oang oang rung đất rung mái nhà rung tim các cụ già không còn nơi ăn chốn nghỉ không biết làm gì đành tụ tập trò chuyện ngày xưa trên sân chùa sân đình sân trạm y tế khuất sâu trong xóm. Giới trẻ lại túa ra đường, trưng diện nhất có thể. Thanh niên đầu xanh đầu đỏ rồ ga bóp còi cười đùa phớ lớ gọi nhau oang oác. Thanh niên bình dân la cà quán nước nhấm hướng dương tám chuyện, thanh niên trên bình dân tụ tập karaoke massage xông hơi xoa bóp bấm huyệt sờ-pa (spa) phát- phút (fast food). Bên Tây bên Úc người ta đổi mấy tấm hăm- bơ- gơ mấy lon cô- ca chỉ để lấy một mớ rau tươi rau sống, bên mình thì bán cả buổi chợ hết thúng rau vườn nhà mới mua nổi một tấm hăm- bơ- gơ một lon cô- ca. bên Tây bên Úc chỉ lần đến tiệm phát-phút vào các buổi sang ăn lót dạ ăn điểm tâm, bên mình thì chỉ thanh niên “vip” trưng diện quần áo sơn móng chân móng tay mới có khả năng tối đến ngồi trong quán đó chim chuột nhau và cười đùa ha hả.



Tôi lần tìm mua mấy tờ báo văn nghệ văn nghệ trẻ văn nghệ quân đội tuyệt nhiên không có, đám báo công an hình sự pháp luật nhà đất thể thao thế giới đàn ông đàn bà người mẫu mỹ phẩm … thì nhan nhản mọi nơi. Cả khu phố làng mới có 1 hiệu sách, đa phần là sách giáo khoa giáo trình tài liệu văn mẫu cách giải đáp án xem bói tướng số cách làm giàu, họa may ra có vài cuốn sách văn học cũ mèm và bách khoa tri thức.

Hồi mới chuyển đến đây, tôi bị nổi mụn ở chân tay. Vừa tắm xong cũng thấy ngứa, đêm nằm ngủ gãi sồn sột nhưng không ý thức được, sáng ra giật mình vì thấy chân tay đỏ lòm vết xước và từng cụm mụn li ti như gai ốc. Bác chủ nhà dùng nước giếng khoan tưới cây, ba ngày sau loạt cây cảnh mới tậu đang uốn thế đồng loạt đỏ lá rụng lả tả góc sân. Đi tong chục triệu. Thế là bác quyết định mua nước sạch từ thành phố dẫn ống về, tôi và dân thuê trọ nhà bác mở cờ trong bụng, thầm cảm ơn hàng cây cảnh đã…hi sinh một cách anh dũng. Bệnh nổi mụn tuyệt nhiên không còn tái phát.

Phố làng nhiều nhất phải kể đến các quán karaoke, sau đến quán giải khát quán cơm bình dân, đứng hạng ba là tiệm games online chat chit webcome. Đều đặn mỗi ngày một lần ra vào quán net gần nhà trọ. Đứa con gái chủ tiệm nhiều khi không đi tụ tập nhảy múa cùng bạn bè đành làm đứa con ngoan trong mắt bố mẹ bằng việc ngồi trông quán games. Nó quen mặt tôi. Một lần vội rời nhà trọ thành ra tôi quên mất ví ở phòng, lúc đứng dậy móc túi quần tìm tiền trả net mới xanh mặt khi thấy túi quần lép kẹp. Con bé không thúc. Nó đứng nhìn điệu bộ bối rối của tôi một hồi, chừng đoán được hoàn cảnh bi đát của khổ chủ, lấm lét cười.

- Thôi anh, làm người yêu em thì không phải trả tiền. Vốn ít đùa, nhưng đang lâm thế bí, tôi vặn lại: - Anh sinh viên nghèo, ăn hôm nay lo bữa mai đói, lấy gì để yêu em?

- Không cần, thì em bảo anh cứ yêu đi, vật chất em có. Tôi tá hỏa, chả rõ con bé nói thật hay đang đùa.

- Đời nào gái HÀ NỘI lại thương một thằng nhà quê chân đất mắt toét như anh! Đừng khiến anh ảo tưởng .

- Đất đang sốt giá, sẽ chưa dừng lại trong tương lai, nhà em tiền mặt không có nhưng mênh mông lãnh thổ, em con một anh lo gì? …

- Cho anh nợ lần sau quay lại anh trả luôn thể nhé!

Tôi vội vàng quay đầu chuồn thẳng, nhưng không bỏ qua dáng vẻ đành hanh của con bé vừa nguýt một cái rõ dài sau lưng tôi. Thời buổi này, không còn gì đứng ngoài được cái guồng quay thị trường nữa. Đến tình yêu cũng có thể đem ra mặc cả! Ai sẵn có cho tôi xin mua một ít viển vông không?

Trở lại với Hồ Tây lần này, tôi mang tâm thế của kẻ mệt nhoài cần tìm chốn nghỉ. Vận động viên boxing dụi đầu vào mớ khăn mà vị huấn luyện viên đang dang ra chào đón hay kẻ phu xe thở hắt những hơi dồn dập cuối cùng của 1 ngày cực nhọc truớc khoảnh sân nhà mình. Êm dịu vô cùng! Cái cảm giác hồi sinh như bắt gặp hơi ấm dịu hiền từ tấm lòng một nguời mẹ.



Cuối Hạ rồi, nước Hồ cũng bớt xanh…

Tâm hồn tôi dường như tự bao giờ cũng chẳng còn trong suốt…



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét