ÔNG TẢN

   Có tiếng khóc hưng hức. Tôi choàng tỉnh. Một không gian đen đặc tĩnh lặng bao trùm trong bốn bức tường cái tum nhỏ. Đêm chắc đã khuya lắm.
         
   Thò chân ra khỏi chiếc chăn bông, tôi khẽ rùng mình vì lạnh. Cái lạnh ấy bắt nguồn từ sương đêm và vì không khí có độ ẩm cao quá.
        
 
   Tiếng khóc bỗng nhiên nín bặt, ngoài ban công một bóng người ngồi co quắp, mặt gục xuống gối. Ông Tản! Ông vẫn thức. Hình như ông vừa khóc. Chỉ có thể là ông. Trong cái không gian bao la, trống trải này ngoài tiếng ếch nhái ra thì làm gì còn sót một tiếng động. Những đàn giun đàn dế, những con chó cắn người lạ đêm đêm, hay những chú gà trống vẫn thức để gáy báo canh khuya nay có còn đâu. Tất cả đã ngủ yên trong nước. Một biền nước trắng xoá, mênh mông mút chặt lấy chân trời. Dưới thứ ánh sáng tuyệt đẹp của thế giới trên cao, cái biển nước trắng xoá ấy chỉ để lộ ra những ngọn cây, những mái nhà, những ngọn cột điện lỗ chỗ như một quần đảo tí hon… Mọi người đang say sưa chìm trong những phút giây thư giãn hiếm hoi, sau một ngày ngâm mình trong nước để mong cứu vãn được một vài thúng thóc mới tuốt đang dở trên sân hay mò tìm nồi, niêu, bát, đĩa… Ban ngày ông Tản tham gia với công tác cứu hộ chắc cũng mệt lắm. Vậy mà đến giờ ông vẫn chưa ngủ. Mà tại sao ông lại khóc?


*          *
*
Cách đây mấy tháng, khi ông Tản được cử làm nông giang do ông tôi đề bạt (ông tôi vốn là chủ tịch xã đã về hưu) cụm dân cư sống ở đoạn giao nhau giữa đường cái và đường đê rẽ xuống cánh đồng, luôn luôn phải dậy sớm. Họ có muốn ngủ thêm chút nữa cũng không được. Cứ tầm bốn rưỡi, năm giờ sáng lại vang lên tiếng chửi rủa ầm ĩ đan xen tiếng rầm rầm của gạch bị ném vỡ. Ông Tản đấy, ông lại đi từ trạm bơm dưới đồng lên, vừa đi vừa chửi những tiếng bập bõm không ai rõ. Đến ven luỹ tre, ông trút giận cả vào đám gạch vỡ lổ nhổn ở đó. Cái thân cột điện xám ngắt gần đấy đỏ hằn lên, rồi chìm dần vào đống gạch vụn mỗi lúc một đầy.
          Việc đầu tiên, ông Tản sẽ vào nhà tôi. Đã thành lệ, ông tôi đặt đầu hiên một cái bát điếu, một tách chè khô pha sẵn và đôi chiếc chén con để chờ ông Tản đến. Ông Tản sẽ hút thuốc, nhấp chè rồi lẳng lặng đi ra phía xóm chợ. Sáng nào cũng thế.
          Không ít lần bà con lối xóm có điều ra tiếng vào về gia đình tôi cũng chỉ vì sự tiếp đãi nồng nhiệt ông Tản của ông của tôi ấy. Nhưng ông tôi vẫn bỏ ngoài tai. Ông tôi thường bảo: họ quen nhìn ông Tản với những tiếng chửi rủa và bộ mặt đỏ gay làm mọi người mất ngủ hàng sáng chứ không chịu nhìn cánh đồng lúa tốt tươi mà ông ấy làm thuỷ lợi vụ này. Vả lại lớp trẻ  bây giờ liệu có ai biết trước kia ông Tản bao phen vào sinh ra tử nơi chiến trường khốc liệt. Để rồi khi đất nước hoà bình, con người tha hương ấy đã hoá thành một kẻ điên trên mảnh đất khách quê người này, ngày ngày chịu để mọi người khinh rẻ và để thời gian xoá nhoà đi hình bóng của một thời oanh liệt… Ông tôi bật khóc. Tôi biết lắm, tình cảm giữa những người đông đội, đồng chí từng hết lòng vì nhau, vì Tổ quốc bao giờ cũng rất thiêng liêng.
          Trẻ con tụi tôi rất quý mến ông Tản, không phải vì tụi tôi biết được cái quá khứ xa xăm kia do ông tôi tiết lộ. Lúc nóng giận thì vậy, nhưng khi thường ông rất hiền. Ông vẫn gọi chúng tôi là con, con lớn, con bé, con trai, con gái nhao nhao. Ổi, roi, mận, sung, khế… nếu có, ông toàn dành dụm cho tụi tôi cả. Những thức ấy ông xin của các bác bán hàng vặt ở chợ, mỗi hàng một ít, hay ông vặt được ở đâu đó. Nhiều lần xin như thế các bác bán hàng cũng khó chịu lắm, nhưng có lẽ vì muốn đuổi ông đi sớm, hoặc sợ bộ mặt đỏ gay lúc nóng giận của ông (mặc dù ông chưa bao giờ lỗ mãng với ai cả) nên đều lẳng lẳng dúi vào tay ông mấy thứ quả mình bán. Vậy là cứ mỗi chiều về học, bầy con nhao nhao của ông lại có thứ mà giành nhau, như thế cái trạm bơm giữa đồng được dịp xôn xao lên một lúc…
         
Một sớm, sau khi hút thuốc, nhấp chè ở nhà tôi, ông Tản không đứng dậy đi ngay -  ông quay sang nói với ông tôi:
          - Nó đã thỏ thẻ rồi đấy!
          - Ai?
          - Cánh đồng! Phơi phới lắm!
          Ánh mắt rạng rỡ của ông Tản bỗng nhiên đùng đục:
          - Nhưng tôi lo cứ tiết này khéo lại lũ thôi, nếu sớm khéo nó lại sặc trong nước…
         
    Ông Tản nói xong đi ngay.
         



   Quả nhiên, ít lâu sau trời mưa tầm tã, mưa trên diện rộng. Nước vùng trũng ứ đọng, ùn ùn dâng lên, nước trên thượng nguồn ào ào đổ xuống suốt đêm ngày. Nước phá vỡ đê cuồn cuộn xoáy về, lũ ập đến. Tiếng gà, tiếng chó, tiếng trâu bò, tiếng lợn, tiếng người thất thanh…
*     *
*
Bây giờ tầm một giờ đêm, tôi đoán thế. Mà cũng không cần phải chính xác, chi li đến từng phút, thậm chí là từng giờ. Người dân vùng lũ nào có còn được để ý đến thời gian. Họ chỉ biết đến đêm và ngày. Đêm thì ngủ. Ngày thì mò mẫm. Nhưng có lẽ với ông Tản, đến đêm và ngày cũng chẳng cần biết nữa rồi. Ông đang sống trong thế giới nội tâm của riêng ông. Ông khóc! Con người bị mọi người rẻ rúng, chỉ biết quăng ném và chửi rủa ấy lại còn có thể khóc.
          Ông khóc vì cái gì?
          Ông khóc vì mất bạn? Như ông vẫn nói đấy, bạn của ông: đó là cánh đông lúa tốt tươi đang phấp phỏng chờ mong bao bàn tay đến bồng bế về làng, nhưng cơn lũ quái ác đã đổ xô đến, nhấn chìm tất cả chỉ trong giây lát!
          Ông khóc vì mất con? Bầy con nhao nhao đang phải ăn đói mặc rét, màn trời chiếu đất cùng cha mẹ chúng. Bầy con nhao nhao không còn được tới nhà ông – cái trạm bơm giữa đồng để chia các thức quả, không còn được tới trường. Trong số đó có đứa đã bị lũ cuốn trôi!
          Hay ông còn khóc vì lý do nào khác nữa?...
         


   Trời tảng sáng, cái nền xám trắng úp chụp xuống biển nước đỏ ngàu. Hôm nay vẫn chưa thấy mặt trời, nghĩa là mưa chưa dứt.
         
   Ông Tản vẫn ngồi gục mặt ngoài ban công. Có phải từ đêm qua, lúc tôi thiếp đi cho tới giờ ông vẫn như thế? Tôi toan tiến lại gần ông, xong ông tôi xua tôi ra hiệu im lặng. Thì ra ông Tản đã ngủ. Ông ngủ mà tôi ngỡ ông vẫn thức. Chắc ông mới thiếp đi thôi, dòng nước mắt vẫn đọng thành vệt trên khoé mắt ông, đầm đìa. Cuối cùng thì sức chịu đựng của con người cũng lên tiếng.
         

    Trời sáng hẳn, bố tôi bê ra từ trong tum một hộp mì tôm, chia cho mỗi người vừa đủ một gói. Vậy là cái ăn đã hết.
          Tôi vừa ăn vừa đưa mắt nhìn xung quanh. Xa xa, đám thằng Linh, con Huế cũng đang ăn sáng. Chúng nhìn tôi với con mắt lơ đãng rồi lặng lẽ trông xa bốn phía. Không ai nói với nhau một lời, nhưng trong lòng chắc hẳn ai cũng mong chờ cái âm thanh ấy.
         

    Có tiếng ù ù từ phía xa, mọi người đứng cả dậy.

-   Máy bay tới rồi !!!

Tiếng một đứa trẻ con vang lên. Cái chấm đen nhỏ xuất hiện từ phía chân trời ấy mỗi lúc một lớn dần, đem đến cho mọi người nét rạng rỡ trên khuôn mặt. Trong giây lát, cả một vùng xôn xao. Bỗng có tiếng hét lạc giọng.
          - Bắn đi! Bắn đi!...
          Tôi giật mình quay lại ban công. Vừa kịp lúc ngón tay run run của ông Tản mải móng rụt lại, ông vừa vùng dậy với đôi mắt to hốt hoảng, hai hàm răng xít chặt như cố nghiền nát một vật gì đó trong miệng. Cảnh tượng đó diễn ra chỉ vẻn vẹn trong ba giây, rồi chợt như ý thức lại được hành động có phần kì dị của mình, ông Tản lộ vẻ bối rối. Thì ra ông ngủ mê…
          - Chắc ông vừa gặp ác mộng.
          Tôi thì thào, tiếng thì thào chỉ đủ lớn để mình tôi nghe thấy, nhưng ông tôi đã đứng bên từ lúc nào.
          - Ông ấy không ngủ mê đâu. Cũng tiếng máy bay trực thăng thế này mấy chục năm về trước đã cướp đi sinh mạng của vợ ông và đứa con chưa kịp trông thấy mặt, đang hoài thai tháng thứ sáu trong bụng. Những tưởng nỗi đau ấy bấy lâu đã dịu đi, ai ngờ…

*

Buổi chiều ấy không nguôi ám ảnh. Khi đó là mùa đông năm 1966, quân đội Mỹ đóng quân khắp vùng Cồn Tiên, Đồng Hà, Quảng Trị, ngăn không cho quân đội nhân dân Việt Nam vượt qua vùng phi quân sự vĩ tuyến Mười Bảy. Chúng mở nhiều cuộc càn quét, chiếm lĩnh để mở rộng địa bàn hoạt động.
Giặc tới làng. Một vùng đất khô cằn xơ xác của những con người hiền lành chất phác. Chúng tàn sát, bắn phá… mặc  tiếng khóc thét thất thanh của bầy em nhỏ, mặc ánh mắt van xin đầm đìa của những người chị, người vợ, người mẹ.
Chuyến đó Nguyễn Văn Tản- đồng đội tri âm của ông tranh thủ ghé lại nhà, có cả ông đi cùng. Đến đầu làng, lửa đang cháy ngùn ngụt. Bao mái nhà gốc chuối bình yên thuở nào phút chốc chỉ còn là đống hoang tàn đổ nát. Tản khụy gối đấm tay xuống mảng sân gạch lở loét, cúi mặt, vai rung bần bật.  Có tiếng cựa quậy vọng lại từ đàng xa. Bất ngờ một tên lính Mỹ bị thương đang lồm cồm bò dậy. Nhanh như cắt, ông vồ lấy họng súng trên vai ông Tản nhắm về phía địch, bóp cò. Đoàng, phát súng không trúng đích. Là vì ông Tản thoắt bay người xô ông ngã dúi. Đến lượt ông lồm cồm bò dậy, thì kịp lúc tiếng nổ thứ hai vang lên. Ông Tản ôm đầu nằm vật xuống, máu rỉ xuống đất đầm đìa. Tên lính Mỹ đã bỏ chạy từ lúc nào.



Ba mươi năm sau, tên lính Mỹ năm nào không chết. Vết thương ở đùi hắn đã liền sẹo, nhưng có một vết thương chí mạng, hắn mang nặng trong tâm.
Ông Tản cũng sống. Viên đạn đi sượt qua não. Vào cái lúc vết thương thể xác sang kì hồi phục thì ông bàng hoàng hay tin người vợ mới cưới chưa tròn năm của mình đã mất trong trận càn của địch đúng vào cái buổi chiều định mệnh ấy, bà đã không kịp chạy xuống hầm tập kết vì bụng mang dạ chửa, khi mà chiếc máy bay trực thăng đã quạt gió đổ rạp cả bụi chuối vườn nhà. Ông Tảnnghe xong lăn ra  ngất lịm, một thời gian bác sĩ chuyển ông vào điều dưỡng trong trại thần kinh.
Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, nhưng với ông, với tất cả những người đồng đội, đồng chí từng một thời đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, thì nó chưa bao giờ ngơi vang lên trong tâm khảm. Tất cả chỉ như mới hôm qua thôi.
Người lính Mỹ năm ấy bị toàn án lương tâm xét xử, sống trong dằn vặt và ân hận suốt mấy chục năm trời. Hắn không thể lí giải nối tại sao con người nhỏ bé ấy đã không để đồng đội mình bóp cò khi mười mươi sẽ đoạt được mạng kẻ mà vừa mới đó đã ra tay tàn sát đồng bào mình.
Người lính Mỹ ân hận, giá như giây phút định mệnh đó hắn không phản ứng quá nhanh, để rồi khi viên đạn trượt khỏi họng súng lạnh tanh của mình, hắn vội vàng vứt bỏ thứ hung khí ghê tởm như thể kẻ mộng mị chợt tỉnh giấc mê.
Sự ám ảnh đó khiến cựu binh Mỹ quyết tâm quay trở lại Việt Nam, trở lại đúng nơi cách đây mấy chục năm – một huyền thoại không tên đã hình thành. Thêm một ngạc nhiên tày trời đến với kẻ cựu binh: Nguyễn Văn Tản gạt hàng nước mắt mời ông vào nhà, đối xử như cách một người cha dang tay chào đón đứa con trót mang dại dột và hối lỗi trở về. Cựu chiến binh Mỹ thét lên với cả nhân dân mình, nhân dân Thế Giới rằng: đến bao giờ tôi mới học được lòng nhân từ của người Việt Nam???...
Thế là đã có một quyết định chắc nịch hình thành ngay buổi hội ngộ đó. Vị cựu binh không lên máy bay trở lại quê hương nữa. Ông dành nốt phần đời còn lại của mình để gắn bó với mảnh đất đầy đau thương của những con người bé nhỏ mà tràn đầy nghĩa khí này. Hiện ông đang đứng đầu một tổ chức Phi Chính Phủ, hoạt động về hàn gắn vết thương sau chiến tranh tại Việt Nam...


*

           Cánh tay ông tôi thả lỏng nhè nhẹ trên vai tôi. Tôi thấy tim mình rung thình thịch. Hình như bàn tay ấm áp của ông đang truyền vào cơ thể tôi như một thứ gì. Nó đại loại như một sự giác ngộ, một cái nhìn để mà tự hào và trân trọng đối với một cảnh đời.
         
           Chao ôi, mỗi người xung quanh tôi sao ẩn chứa thật nhiều bí mật. Nhiều khi cái biểu hiện bên ngoài có phần lập dị và nực cười của một con người sao chứa đựng trong nó những nguyên cớ thật là đẹp đẽ mà có thể tôi sẽ chẳng bao giờ biết hết được.
         
          Vậy thì tại sao tôi lại không gần gũi ông Tản thêm nữa? Những tiếng chửi rủa mỗi sáng kia đâu phải là sự vô cớ của kẻ bất cần đời, và nó hoàn toàn vô hại. Bời vì sự thực ông Tản đâu phải là người điên! Cái dáng ngồi trầm ngâm và đôi mắt rầu rầu ấy, sao có thể có ở một người điên?!!!



















Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét