MÙI



( Đã đăng PNVN )

Phố vào đông. Ban công trông ra xa chỉ một màu xám ảm đạm âu sầu. Thật hiếm để có một ngày nắng. Sáng nay có tiếng ríu ran của bầy sẻ ri trên giàn hoa giấy rụng. Ta nhìn ra khung cửa khép im lìm, thấy có vài tia sáng lém lỉnh lách qua khe hở làm xôn xao đám bụi không khí. Vậy nên, ta- mặc dù đêm qua thức muộn cũng có ngay niềm hứng khởi để bật dậy mở toang những gì đang bao bọc sự tù mù, yếm thế, đầy bị động.



Không gian lấp lánh đang bừng sáng ngoài kia! Nắng lênh láng nhuộm mái ngói tươi màu trở lại, đám cành lá se sắt trong đêm rạng rỡ bung xòe lấp lánh bạc. Trời được dịp cao xanh, mây chuyển màu trắng xốp. Chiếc lá vàng gió đưa ngang cửa sổ như cũng reo mừng khúc hoan ca chết chóc- tiếng cười hiền tạm biệt thế gian. Ta vươn mình, dang tay, khép đôi mi lại, hít căng lồng ngực thứ khí mới ban sơ. Mùi của gió bấc! Mùi của xa xăm phương Bắc, những dáng lá kim khí phách trượng phu. Mùi của yêu thương cuộn tròn, trong chiếc chăn, thân chú mèo ấm áp, cái khoác vai khăng khít, vòng tay ôm siết cặp tình nhân…



Sang đông thứ năm ta ở lại Hà Nội. Thân thể không còn bỡ ngỡ như cái thuở đầu đằm mình trong bốn mùa xứ khác. Đông đến cũng thật tự nhiên. Ta mang máng hồi tưởng lúc mình chạy sô bài vở, ngột ngạt giữa dòng người xe hăng hăng hơi bụi, mồ hôi râm ran ướt nhoẹt khoảng lưng, lan vệt dài trên má. Vậy mà qua một giấc mơ, đã lại vội vàng lấy ra từ hộc tủ đống áo mũ len, khăn quàng, tất ấm…Mùi của ẩm mốc, của độ trễ thời gian.


Ta mới chợt giật mình: ra là ta đã có khoảng dài mở mắt, chăm chăm nhìn ra xung quanh như ống kính camera, thu vào lòng mình tất thảy thanh âm, hình ảnh của bộn bề đời sống; ta tất bật với cái ăn, ngủ , nghỉ, bon chen… mà quên đi những chuyển động ngầm vẫn diễn ra quanh đây từng giờ , từng khắc.


Có những thứ, chỉ khi nhắm mắt lại, ta mới thấy chúng rõ nét hơn bao giờ.



Bất giác, ta nhớ tới Quỳnh Chi. Ta giật mình vì sau bao tháng ngày xa lòng cách mặt, thứ mà ta nhớ tới nàng trước nhất, lại là mùi hương. Hóa ra những vồn vã của ta khi xưa- khi còn ở bên nàng: đường nét khôi nguyên, thanh tú, lọn tóc dài chảy vào đêm, chiếc ghim xinh xinh cài đầu hình con bướm...tất cả chỉ như ảo ảnh. Hóa ra thứ còn lại với thời gian chính là thứ mang hình hài của cảm giác. Quỳnh Chi của ta- như cái tên nàng vậy: một nhánh hoa quỳnh. Hoa quỳnh chỉ nở về đêm, vào cái thời khắc cả thế giời vùi mình vào giấc ngủ. Một thứ hương sắc len lén, rụt rè. Thứ hương sắc khiêm nhường dịu hiền nâng ta trong cơn mơ, ta không hề hay biết…


Bất giác, ta nhớ ta của ngày hôm qua, tất tả ngược xuôi tìm cho mình một xẻng đất để vun trồng đám hoa loa kèn, mười giờ rung rinh trong chậu cảnh. Ta chợt nhớ và khao khát được quệt bẩn lên tay như khi xưa ở quê, ta thường thế. Móng tay ta trắng nhợt màu của chỉn chu, yểu điệu. Thành phố đường trải nhựa, đá trơn ốp nền nhà, biết tìm đâu ra một mô đất trống? Tuyệt nguồn cả tiếng dế, tiếng giun khi xưa ta đêm đêm vẫn hay nhờ chúng ru mình vào giấc ngủ. Mùi của đất! Chao ôi là nhớ cái phong vị hoang sơ khi ta lướt qua một vùng lá rụng, phải dịp mưa xuống nắng lên, cái mùi lợm tanh đồng đất quê hương, đất trên bức vách căn nhà lợp rạ của ngoại thuở hàn vi, ta thiếu thời. Cái mùi của trận mưa rỉ qua khe dột, rỏ tí tách xuống mặt giữa đêm đen, nhắm mắt nghe ào ào bên tai như thác đổ. Đất nuôi dưỡng tươi cây, ngọt trái. Đất che chắn dang tay ôm bọc thân người. Đất dậy hương ăn sâu vào tâm khảm những người con chân lấm tay bùn, vùi mặt về phía đất. Đất vụt biến thành nỗi nhớ khôn nguôi của những người con xa xứ, trong đó có ta, mỗi khi lặng mình cúi đầu hoài vọng quê xa…



Bất giác, ta nhớ tới ngoại, nhớ tiếng chuông chùa. Ngoại đã qua cái thời trung niên đầy luyến lưu và vồ vập- vồ vập ôm cả vào mình những nẻo dấu xưa. Ngoại vào "thất thập cổ lai hi" với bao muộn mằn tiếc nuối. Đã hết nhìn thẳng để dọc ngang cuộc đời, lưng ngoại oằn còng vì sức nặng thời gian tới bây giờ mới thành hình thành khối. Không nhìn thẳng, lưng còng, để người ta nhìn về với đất. Còn một góc nhìn nữa, về thẳm sâu thiêng liêng: ngược nhìn về quá khứ. Bẩy mươi tám tuổi, ngoại càng năng đi chùa. Vẫn với dáng còng và cây gậy tựa nương, dấu chân ngoại lê mòn vạt đường cỏ xanh từ nhà tới những nơi Phật tỏa bóng. Khi tôi còn nhỏ, tôi rất lười đi bộ, tấm lưng của ngoại- khi ấy còn thẳng, thường là có bóng thằng tôi thơ ngây bé bỏng. Đi chùa, tôi hưởng lộc mang về những xôi oản, ăn với chuối, với muối, bột canh vào lúc đói dạ. Trên đời chẳng còn thức ngon vật lạ nào sánh bằng. Và thứ mùi của ngoại khi ấy, là mùi dầu gió phả ra từ tấm áo manh quần ngoại vận, mùi của trầu thơm trên môi ngoại bỏm bẻm nụ cười, mùi của bồ kết đơm hương cả vào tấm khăn nâu mỏ quạ ngoại thường hay đội. Bây giờ nhớ lại, ta gọi đó là mùi-thiêng-liêng…


Chao ôi, còn biết bao nhiêu thứ mùi thân thuộc. Bao nhiêu mùi đã tẩm ướp hồn ta từ thuở trong nôi, có những thứ mùi chẳng bao giờ ta còn có cơ duyên hít hà trở lại. Ta lâu nay đã quá quen với bon chen hơi bụi, thứ khí khô queo phả xơ xác tóc điều hòa, những tuyến phố mùi vịt quay-.mùi ẩm thực, những góc hẻm đậm đặc hương nước xả vải máy giặt guồng quay suốt đêm ngày, rồi cả mùi thuốc xịt phòng, khử mùi, xua ruồi muỗi trong căn phòng ta- mùi hương tự vệ. Để rồi một ngày chợt nhận ra ta đã đi xa quá cái tuổi thơ mình, càng mông lung càng hoài vọng, càng hoài vọng càng da diết yêu thương.


Ngoài ban công, những chậu hoa ta tưới bẵm đang phảng phất đưa hương. Ta đem phù sa dinh dưỡng để đổi mua với chúng, như một sự trả ơn. Còn thứ mùi hương từ xa xăm quá khứ, mùi-ban-sơ, là dinh dưỡng của hồn ta, thứ phù sa muôn đời trao đi không cần nhận lại. Có chăng chỉ là niềm hoài vọng tri ân như ta lúc này- khi tâm hồn đủ vững chãi trưởng thành để nhận biết.



Xung quanh ta đâu đây nương náu biết bao nhiêu thứ mùi, nhiều thứ mùi không phải là mùi hương để ta đắm chìm lâng lâng nhất thời bồng bột, nhiều thứ mùi thật khó để ngửi bằng khứu giác vị giác, chỉ có thể cảm nhận bằng “tâm”. Nhiều thứ mùi chỉ đến với ta trong từng thoáng, từng đoạn đời, rồi vĩnh viễn chỉ còn ùa về trong ta qua nỗi nhớ.


Những thứ mùi đã qua đi trong cuộc đời ta, giờ đây hiện về trong cụm từ “khi ấy…”. Vậy nên ta luôn mở rộng mọi thứ cửa tù mù, ngột ngạt. Ta vẫn đang trong nhiều thứ mùi. Biết đâu sau này lại một phút giây đứng lặng tìm về như ta lúc này, thì cái thứ mùi hiện-thời, nó đã kịp lưu hương thành mùi hoài niệm.

Ta luôn trong một thứ mùi. Ấy là mùi tháng-năm, mùi của cuộc-đời.







Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét